Sau một năm kinh tế toàn cầu được đánh giá khá tốt, các nhà phân tích đã đưa ra dự báo lạc quan cho năm 2018 với đà tăng trưởng còn cao hơn năm 2017. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo vẫn còn 3 mối đe dọa lớn đối với kinh tế thế giới trong năm nay. 

Các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ

Một trong những động lực tạo nên thành công của kinh tế toàn cầu năm 2017 chính là sự kết hợp giữa chính sách nới lỏng tiền tệ với nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm giúp thế giới quen dần với việc rút bớt các gói kích thích.

Tuy nhiên, sang năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang dần giảm quy mô chương trình mua lại tài sản và Trung Quốc cũng đang cân nhắc việc nâng lãi suất. Tất cả những động thái này đều được các nhà hoạch định chính sách cân nhắc rất kỹ. Song sai lầm vẫn có thể xảy ra, dẫn đến những “cú sốc” khiến tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.

Kinh tế toàn cầu và 3 mối đe dọa trong năm 2018
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa

Đơn cử như tại Mỹ, theo Hiệp hội Các thị trường Tài chính và Chứng khoán Mỹ (Sifma), khối nợ doanh nghiệp hiện tại là gần 8.800 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2010 và là một động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của các công ty.

Chetan Ahya – nhà nghiên cứu tại Morgan Stanley – nhận định trong báo cáo triển vọng 2018: “So với rủi ro về lạm phát, rủi ro về ổn định tài chính là mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ để kiềm chế tăng trưởng quá nóng hoặc lạm phát sẽ dẫn đến cảnh thắt chặt tín dụng. Nguy cơ này có khả năng xảy ra ở cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đề cao quan điểm “Nước Mỹ trên hết”. Sau khi nhậm chức. Ông Trump cũng đã đưa ra hàng loạt các chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thương mại.

Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), khởi động cuộc điều tra về thép nhập khẩu và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng lên 43,5 tỷ USD.

“Những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ này cần giảm nhanh chóng”, Tổng thống Trump nhấn mạnh trong một bài viết trên Twitter trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 11/2017.

Theo Reuters, nếu những tuyên bố này trở thành sự thật, kinh tế năm 2018 sẽ đối mặt với cú sốc lớn khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc có thể nổ ra.

Bong bóng tài sản nổ tung

Thiệt hại của các loại bong bóng chỉ có thể đong đếm được khi chúng vỡ vụn. Ngân hàng Thế giới ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm từ 4,4% năm 2000 xuống 1,9% năm 2001, khi bong bóng dotcom nổ tung. Khủng hoảng tài chính cũng khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm từ 4,3% năm 2007 xuống âm 1,7% năm 2009.

Năm 2017 đã chứng kiến rất nhiều bong bóng, trong đó bong bóng Bitcoin là nổi bật nhất. Đà tăng giá chóng mặt của loại tiền ảo này đã khiến nhiều nhà kinh tế cảnh báo các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn tâm lý trắng tay khi bong bóng tiền ảo nổ tung.

Nguyễn Trang