Trong bối cảnh Việt Nam đang tồn kho hơn 500.000 tấn đường, hãng Coca Cola vừa cam kết sẽ hỗ trợ người trồng mía và dùng 100% đường nội địa của Việt Nam từ năm 2020.
 

Công ty Coca-cola Việt Nam và Hiệp hội Mía đường vừa ký thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực ngành mía đường Việt Nam, trong đó doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ nông dân đầu tư trồng mía và thu mua sản phẩm đường.

Theo nội dung thỏa thuận, từ nay đến năm 2020, Coca Cola Việt Nam sẽ nâng dần tỷ lệ sử dụng đường từ nguồn sản xuất trong nước và sau 2020 sẽ sử dụng 100% đường có nguồn gốc nội địa.

Bên cạnh đó, Coca-cola và Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ phối hợp hỗ trợ tập huấn và đào tạo nông dân trồng mía những kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất và hạ giá thành, hỗ trợ người trồng mía các vật tư đầu vào và nâng cấp hạ tầng tưới tiêu.

Việc một doanh nghiệp lớn như Coca Cola cam kết tiêu thụ đường trong nước được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy các doanh nghiệp khác tăng cường sử dụng đường sản xuất của Việt Nam, đặc biệt khi ngành mía đường trong nước đang gặp những khó khăn chưa từng có.

Theo Hiệp hội Mía đường, Việt Nam hiện còn tới 530.000 tấn đường tồn kho.

Hiệp hội Mía đường cũng cho biết cả nước hiện có khoảng 300.000 ha mía, 38 nhà máy đường đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 150.000 tấn mía/ngày.

Mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 1,2-1,5 triệu tấn đường các loại, trong đó khoảng 50% sản lượng là đường tinh luyện đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết ngành mía đường đang phải đối mặt với 4 thách thức khó khăn. Đó là biến đỏi khí hậu (xâm nhập mặn, nước biển dâng, hạn hán, bão lũ…); sự cạnh tranh từ các cây trồng khác; thiếu lao động nông nghiệp; và hội nhập kinh tế quốc tế (khi các hiệp định đa phương và song phương Việt Nam đã ký có hiệu lực).

Giá mía xuống thấp, Coca Cola cam kết hỗ trợ Việt Nam tiêu thụ
Ngành mía đường Việt Nam đang đối mặt sức ép tiêu thụ

Theo ghi nhận của trang tin VOV, giá mía hiện đang xuống thấp và khó tiêu thụ khiến nhiều nông dân tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long ồ ạt phá bỏ ruộng mía để trồng các loại cây khác hoặc nuôi thủy sản.

Tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, dù nhiều ruộng mía đã quá ngày thu hoạch khá lâu nhưng nông dân chỉ mới tiêu thụ được khoảng 50% trong số diện tích hơn 4.000 ha mía. Còn tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, nông dân cũng chỉ mới bán được hơn 3.000 ha trong số 6.300 ha mía nguyên liệu.

Tình hình thu hoạch mía rất chậm do thương lái và nhà máy ít thu mua dù giá rớt thê thảm là nguyên nhân dẫn đến cảnh ế ẩm này.

Một người trồng mía tại huyện Trà Cú cho biết ruộng mía gia đình bà chỉ được thương lái mua với giá 300 đồng/kg, và mỗi công chỉ bán được 3 triệu đồng, trong khi tiền đầu tư mỗi công là 7 triệu đồng. Đó là chưa kể năm nay nhà máy đường loại tạp chất với chỉ số rất cao.

Nhiều nông dân tính toán vụ mía năm nay chi phí đầu tư khoảng 50-60 triệu đồng/ha, nhưng do giá mía thấp, tiêu thụ chậm… nên có thể bị lỗ từ 10-20 triệu đồng/ha.

Minh Tuệ tổng hợp