Những ngày đầu năm 2018, bên cạnh những thông tin giải cứu các loại nông sản như củ cải, su hào, khoai tây… thì giờ đây, ngành mía đường trong nước cũng đang chờ mong được… giải cứu?
Nhìn ruộng mía đang vào mùa thu hoạch nhưng không có người thu mua, giá mía liên tục giảm, giá vận chuyển và nhân công tăng cao khiến người dân trồng mía đứng ngồi không yên.
Cụ thể, giá mía được các nhà máy thu mua rơi vào khoảng 700.000 – 800.000 đồng/tấn, giảm từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn so với vụ sản xuất 2016 – 2017. Trong khi đó, giá nhân công thu hoạch là 300.000 đồng/công nhân/ngày; giá xe trung chuyển mía cũng tăng lên 70.000 đồng.
Nếu có thu hoạch, tiền mía cũng chẳng đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra. Nhiều gia đình cực chẳng đã bèn phải đem đốn bỏ, thiệt hại ước tính lên cả chục triệu đồng.
Một lãnh đạo xã Ealy, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết, giá mía cây đang giảm thê thảm, chủ yếu là do nhà máy đường Tuy Hòa chỉ ưu tiên mua mía trên diện tích đã đầu tư vốn. Giá mía cây giảm từ 60 triệu đồng/ha năm 2017 xuống 10 triệu đồng/ha năm nay khiến bà con trồng mía bị thua lỗ rất nặng.
Đứng nhìn ruộng mía lem nhem vết cháy, ông Tiền, một nông dân trồng mía tại xã Ealy không khỏi nén một tiếng thở dài cho biết, hơn 1ha mía của ông đã vào vụ thu hoạch, hơn 1 tuần trước ông cho người chặt mía để xuất bán nhưng nhà máy không mua, mía chặt chất đống, khô như củi ngoài đồng, không đốt đi cũng chẳng biết làm gì khác.
Trong khi đó, tại Gia Lai từ cuối tháng 1, nắng nóng kéo dài cùng với tiến độ thu mua mía chậm từ các nhà máy khiến nhiều cánh đồng mía ở các huyện Kông Chro, Chư Prông, thị xã An Khê thêm phần “nóng ran”.
Tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, bức tranh mía đường cũng không sáng sủa hơn. Mía chín đầy đồng, nhà máy gặp khó khăn không thu mua, người nông dân đành ngậm ngùi để mặc.
Trên thực tế, không chỉ người dân lao đao vì mía trồng ra không có người thu hoạch, mà trong 2 năm trở lại đây, ngành mía đường Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh khốn cùng. Lượng đường tồn kho lớn, việc tiêu thụ chậm lại phải cạnh tranh với đường nhập khẩu và đường nhập lậu nhiều nhà máy chấp nhận bán đường dưới giá thành song “ế vẫn hoàn ế”. Nhiều nhà máy sản xuất đường cực chẳng đã phải tạm ngừng sản xuất.
Câu chuyện của ngành mía đường hay các nông sản khác cho thấy một bài toán cố hữu chưa có hướng giải quyết. Đó là doanh nghiệp thấy lợi là phát triển ồ ạt, người nông dân thấy lợi thì rủ nhau cùng trồng nhưng không hề nghĩ tới đầu ra. Và thế là câu chuyện về giải cứu sẽ chẳng bao giờ đi đến hồi kết. Nhưng giải cứu mãi không phải là giải pháp, nhất là khi muốn phát triển theo nền kinh tế thị trường.
Diệu Thu