Từ việc mía bán được 60 triệu đồng/ha, hiện chỉ còn 10 triệu đồng/ha. Không chỉ giá mía giảm sâu mà nhiều tư thương đặt tiền cọc mua mía của nông dân rồi bỏ chạy. Mía không biết bán cho ai, người trồng mía đành đốt hoặc bỏ khô trên ruộng.

Ngày 29/3, ông Mai Thanh Hiền (nông dân ở xã Ealy, huyện Sông Hinh, Phú Yên) cho biết, ông vừa phải đốt bỏ hơn 1ha mía đang kỳ thu hoạch, vì không ai mua, ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng, theo Dân Việt.

“Đây là khu vực 2ha mía của tôi tại buôn Dô (Ealy) trước đó đã đăng ký bán cho Nhà máy đường Tuy Hòa (Phú Yên). Cách đây 1 tuần, tôi thuê người thu hoạch mía để xuất bán. Thế nhưng nhà máy trên chỉ mua vài xe, rồi nói trục trặc máy móc nên không mua ép nữa; mía tôi chặt xong phải chất đống dài ngày, khô như củi. Mía đã khô mà có chở đi bán trong lúc giảm giá này, thì chỉ có lỗ thêm tiền xe. Thế là tôi cho đốt để dọn dẹp đất, rồi tính trồng thứ khác. Mía vụ này đang rớt giá thê thảm, chỉ còn bằng nữa giá năm ngoái, mà lại bí rị đầu ra. Chúng tôi chẳng biết làm sao để vớt vát vốn đầu tư…” – ông Hiền nói.

Nông dân đốt mía vì không bán được. (Ảnh: Dân Việt)

Tại xã Ealy, ông Nguyễn Thanh Lưu cũng đang “khóc đứng, khóc ngồi” khi gần 5ha mía vào kỳ thu hoạch: “Tôi đã chạy vạy chào hàng khắp nơi nhưng chỉ bán được vài xe, còn mấy ha mía đang “đứng bánh”, chết khô dần. Mía đang rớt giá “sát đất”, Nhà máy đường Tuy Hòa thì nói bị trục trặc kỹ thuật nên nhập mua “nhỏ giọt”.

Bí đầu ra, nhắm không có ăn nên tư thương cũng quay lưng “bỏ chạy mất dép”. Bà con trồng mía diện tích ít thì còn có đường “tẩu thoát”… Nói chung, kỳ này mà ai có diện tích mía càng nhiều thì… càng khóc!”.

Trong lúc, bà Lê Thị Gắng (một tư thương mua mía tại Phú Yên) nói gọn: “Các nhà máy đang “lắc đầu” mua mía thì chúng tôi thu gom rồi biết bán cho ai. Cũng thấy xót cho bà con nhưng đành… bó tay”.

Ông Mai Thanh Hiền (xã Ealy, Sông Hinh, Phú Yên) đã đốt lượng mía trồng trên 1ha vì không thể bán được. (Ảnh: Dân Việt)

1ha mía được một hộ nông dân ở xã Early, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên bán cho tư thương và đã nhận được tiền cọc 10 triệu đồng từ đầu vụ. Sau khi đạt thỏa thuận với tư thương, chủ mía đã thu hoạch hết cả cánh đồng. Nhưng sau đó tư thương bỏ không mua. Bán cho tư thương khác không được, mía bỏ khô trên ruộng và chủ đành đốt.

Được biết, diện tích mía của xã Early đã lên đến 1.800ha, chiếm đến hơn 26% diện tích vùng nguyên liệu của cả nhà máy đường Tuy Hòa. Những vụ trước và ngay cả vụ này, những diện tích không ký hoặc có ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy, nông dân thường nhận tiền đầu tư của tư thương.

Theo lý giải của nông dân trồng mía, cách làm này sẽ giúp họ dễ xoay xở tình thế bởi nếu nhà máy thu mua chậm như mọi năm, họ có thể bán được ở ngoài.

Nhưng năm nay, giá đường giảm mạnh, các nhà máy ưu tiên thu mua mía của nhưng hộ đã nhận tiền đầu tư. Đầu ra không có, cả nông dân và tư thương đều bế tắc.

Mạnh Tiến