Quan sát những giọt nước mắt dưới kính hiển vi, một nhiếp ảnh gia người Hà Lan đã phát hiện ra cả một thế giới sống động.
Nhiếp ảnh gia người Hà Lan Maurice Mikkers là một trong những người đầu tiên tiến nhập vào thế giới vi quan của nước mắt, và anh đã có một phát hiện thú vị – mỗi giọt nước mắt mang trong nó một câu chuyện của riêng mình.
Theo báo cáo ngày 12/7/2019 của Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung , giống như các bông tuyết sau quá trình kết tinh khác nhau sẽ có hình dạng khác nhau, các giọt nước mắt cũng sẽ có hình thù khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh và cảm xúc của mỗi người. Do đó, chúng sẽ cho ra những bức ảnh hoàn toàn khác nhau sau khi được quan sát dưới kính hiển vi. Điều này đặt ra câu hỏi: Hình dạng của nước mắt phải chăng sẽ biến đổi theo cảm xúc của mỗi người?
Nhiếp ảnh gia Maurice Mikkers đang nỗ lực tìm đáp án cho câu hỏi trên. Thu thập và quan sát nước mắt dưới kính hiển vi là cách thức anh thực hiện. Trước năm 2007, anh từng là một nhà phân tích tại phòng thí nghiệm dược phẩm, sau đó anh học thiết kế tương tác truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia The Hague ở Hà Lan. Nhờ những kiến thức về khoa học và thiết kế học được, anh đã tạo ra những thước phim vô cùng độc đáo và tuyệt diệu về giọt nước mắt dưới kính hiển vi.
Lấy cảm hứng từ cơn đau
Năm 2014, Mick không cẩn thận đá chân vào bàn trong một lần nọ. Anh đau đớn đến rớt nước mắt. Như có một sự thôi thúc vô hình, anh đã dùng ống hút để hứng những giọt nước mắt đang lăn dài trên má vì đau đớn và tiến hành quan sát chúng dưới kính hiển vi.
Kể từ đó, Mick không chỉ quan sát chính nước mắt của mình, mà còn thu thập những giọt nước mắt của rất nhiều người đang trải qua hoàn cảnh khó khăn: từ người cha đang rơi nước mắt vì đau ốm; từ người cô đang xấu hổ vì bị sếp phê bình nơi công sở; cho đến những người tình nguyện “quyên góp” nước mắt của họ cho anh.
Đây không phải là một nghiên cứu khoa học, cũng không phải là một thí nghiệm y học giống như anh đã thực hiện trước đó, mà chính xác là một hành trình khám phá mang nhiều điều kỳ diệu. Anh chia sẻ:
“Trước kia tôi thường chỉ nghĩ đến việc quan sát các hạt tinh thể trong thành phần trong thuốc hay thức ăn [dưới kính hiển vi]. Chứ tôi chưa bao giờ ngờ được rằng nước mắt [dưới kính hiển vi] lại đẹp đến vậy”.
Dưới kính hiển vi, Mick đã nhận ra sự khác biệt trong từng loại nước mắt khác nhau, và anh cũng phát hiện nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả trên là ở những câu chuyện đằng sau những giọt nước mắt. Mick chia sẻ:
“Bởi vì mọi người thường không khóc giữa chốn đông người và không muốn để người khác nhìn thấy mình khóc nên rất khó để thực hiện nghiên cứu này. Nhưng nhờ tấm lòng và sự tận lực hỗ trợ của mọi người, tôi đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về thế giới bên trong những giọt nước mắt và cho ra đời dự án Imaginarium of Tears ”.
Trạng thái ‘độc nhất vô nhị’ của nước mắt khi phóng to dưới kính hiển vi công suất lớn
Hiện nay, khoa học đã tổng kết được ra ba loại nước mắt: Loại thứ nhất là nước mắt cơ bản, xuất hiện khi bạn nhìn thẳng vào quạt trong 60 giây mà không chớp mắt. Thứ hai là nước mắt phản xạ, xuất hiện khi bạn cắt hành tây hoặc bị kích thích bởi khói hay một thứ gì đó có vị cay. Loại cuối cùng là nước mắt cảm xúc, là loại nước mắt có khi người ta phấn khích, buồn bã hay hạnh phúc…
Dưới kính hiển vi công suất lớn, Mick đã quan sát những giọt nước mắt kết tinh nồng độ cao. Nước mắt của những người khác nhau, trong các hoàn cảnh khác nhau sẽ biểu lộ ra các hình dạng và quá trình kết tinh khác nhau. Phát hiện này khiến Mick rất chấn động.
Anh cho hay:
“Thành phần của nước mắt gồm có nước, lipit, glucose, natri, kali, dầu, muối, khoáng chất…. Vì mỗi người chúng ta là độc nhất và vô nhị, làm những công việc khác nhau, nên nước mắt của chúng ta cũng khác nhau”.
Kể từ tháng 3/2015, anh đã thu thập thêm được nhiều loại nước mắt từ bạn bè. Điều khó khăn nhất và tốn thời gian nhất là mọi người phải cố gắng khóc tại chỗ, và điều này tốn nhiều thời gian hơn dự trù. Trong cùng năm, anh đã đăng trên Facebook một loạt ảnh của những giọt nước mắt chụp dưới kính hiển vi với chủ đề: “Thưởng thức những giọt nước mắt (Dining the tears)”.
Trong một buổi chia sẻ tại một buổi nói chuyện TED TALK , Mick cũng nhận định:
“Cũng giống với việc ý tưởng sáng tạo là một điều rất đáng chia sẻ, tôi tin rằng những phát hiện độc đáo về nước mắt này cũng rất đáng để mọi người quan tâm”.
Năm 2017, Mick đã thiết lập thành công một hệ thống sưu tập nước mắt, và anh cũng hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ gửi mẫu nước mắt của mình, để anh bổ sung vào kho dữ liệu chung, từ đó tiến hành phân tích những nét tương đồng cũng như khác biệt giữa từng mẫu cụ thể. Anh còn mở rộng nghiên cứu của mình bằng cách khám phá các tinh thể nước mắt có “cấu trúc phân dạng (fractals – một phân tử nước mắt có cấu trúc tương đồng và y hệt so với cấu trúc của một giọt nước mắt có kích thước lớn hơn)”. Anh hy vọng sẽ tìm ra cách giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này.
Phải chăng nước mắt và giọt nước có tâm hồn?
“Bởi mỗi giọt nước mắt lại đong đầy những cảm xúc khác nhau, chứa đựng những câu chuyện khác nhau, chính vì thế tôi đã cố gắng nghiên cứu sâu hơn về thế giới vi quan của chúng”, Mick cho biết.
Chia sẻ với Đại Kỷ Nguyên, Mick nói: “Cuộc sống của mỗi người chắc chắn đã trải qua không ít những thăng trầm, có hạnh phúc xen lẫn những khổ đau… Bằng cách chia sẻ, chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới vi mô và thấu tỏ nhau hơn rất nhiều”.
Anh cũng nói: “Tôi trở nên say mê với từng tinh thể bé nhỏ trong thế giới nước mắt, và tôi vô cùng thích thú khi những giọt nước mắt ấy như đang kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. Đó là một trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời. Tôi muốn khám phá nhiều hơn và thấu hiểu nhiều hơn, và tôi cũng rất muốn biết nghiên cứu này trong tương lai có thể cho ra những kết quả gì”.
Giống như Mick, Rose-Lynn Fisher , một nữ nhiếp ảnh gia tại Los Angeles (Mỹ), cũng say mê nghiên cứu hình ảnh những giọt nước mắt dưới kính hiển vi. Năm 2008 đánh dấu những thời điểm đau thương nhất cuộc đời cô, khiến cô thường xuyên khóc một mình. Trong thời gian đó, cô tự nhiên rất tò mò về hình dạng nước mắt của mình dưới kính hiển vi và tự đặt câu hỏi: Liệu mỗi giọt nước mắt có đều giống nhau?
Những bức ảnh cô chụp được về trình tự sắp xếp của các tinh thể siêu nhỏ trong quá trình bốc hơi của nước mắt khiến cô trở nên phấn khích và như tìm lại được ý nghĩa cuộc đời. Sau đó cô thu thập thêm 100 mẫu nước mắt khác nhau để nghiên cứu trước khi xuất bản cuốn sách The Topography of Tears (tạm dịch: Địa hình học của những giọt nước mắt) .
Những kết quả thu thập được của Mick và Fisher cũng khiến mọi người nhớ đến cố tiến sĩ người Trung Quốc Giang Bản Thắng. Ông đã thu thập các mẫu nước mắt trong nhiều trường hợp khác nhau, sau đó làm đông chúng ở nhiệt độ âm 5 độ C, sau đó soi chúng dưới kính hiển vi quang học trong quá trình chúng tan chảy. Tổng cộng 122 bức ảnh ông thu thập được trong bộ sưu tập “Giọt nước mắt biết trả lời”, đã cho thấy suy nghĩ, âm nhạc và các yếu tố khác của con người có thể tác động đến hình dạng của tinh thể nước . Điều này đã đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn:
Phải chăng những vật chất vô cơ thực sự cũng có tâm hồn?
Cách đây hơn 2.500 năm ở phương Đông, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng rằng, trong một hạt cát có ba ngàn thế giới (nguyên văn: Trong một hạt cát có tam thiên đại thiên thế giới). Hơn 200 năm trước, một nhà thơ người Anh tên là William Blake, cũng đã viết một bài thơ có cùng ý tứ như trên:
Một hạt cát một thế giới;
Một đóa hoa một thiên quốc;
Một bàn tay một vũ trụ;
Một giây thôi, cả một đời.
Xem ra, không chỉ trong một hạt cát có ba ngàn thế giới, mà mỗi giọt nước mắt, mỗi giọt nước bình thường cũng chứa đựng những bí ẩn vô hạn của chính mình.