Từng được coi là “vàng đen” giúp nhiều nông dân đổi đời khi vào thời điểm “hoàng kim” hồ tiêu có giá tới 200.000 đồng/kg, nhưng nay giá tiêu liên tục giảm sâu khiến người dân khốn đốn. Do việc phát triển quá “nóng”, người trồng hồ tiêu rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng – chặt”.
Hiện giá hồ tiêu tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai là 53.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai là 54.000 đồng/kg.
So cùng kỳ năm 2017, mức giá bán trên chỉ bằng 1/2. Còn nếu so với giá giữa năm 2016, mức giá trên chỉ bằng 1/4. Đây cũng là các mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Bộ NN&PTNT cho rằng giá tiêu giảm do nguồn cung vẫn dồi dào trong khi nhu cầu yếu. Bên cạnh đó là áp lực nguồn cung từ nước láng giềng Campuchia đang phát triển mạnh diện tích trồng hạt tiêu.
Trước tình trạng giá liên tục giảm sâu, nhiều nông dân đã quyết định phá bỏ hoặc bỏ bê chăm sóc hồ tiêu do giá xuống thấp.
Tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, sau khi giá chuối tăng trở lại, nhiều người chặt hồ tiêu để trồng chuối. Trong khi ở Thừa Thiên Huế, một số nông dân phá hồ tiêu để trồng rau màu.
Mới đây, cư dân mạng xã hội còn chia sẻ hình ảnh người dân dùng cưa máy chặt bỏ vườn tiêu ở Thừa Thiên Huế khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Nhận định về tình trạng khó khăn của ngành hồ tiêu, chuyên gia nông sản Nguyễn Đình Bích cho rằng nguy cơ giảm giá tiêu đã được báo trước từ năm 2015 khi giá thu mua tiêu của Việt Nam lúc đó đạt khoảng 200.000 đồng/kg, nhà nhà ồ ạt mở rộng trồng tiêu.
Đến hết năm 2017, diện tích hồ tiêu của cả nước đã đạt khoảng 152.000 ha, năng suất đạt 25,7 tạ/ha, sản lượng đạt 243.000 tấn, chiếm khoảng 58% thị phần thương mại hồ tiêu thế giới.
Việc tăng “nóng” diện tích trồng hồ tiêu không theo quy hoạch, thậm chí nhiều vùng người dân sẵn sàng phá bỏ diện tích các loại cây trồng khác để trồng tiêu là nguyên nhân chính khiến người dân rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng – chặt” và ngành hồ tiêu phải nếm “trái đắng”.
Nguyễn Trang