Một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đang cân nhắc giảm quy mô hoặc hủy những dự án cảng biển, đặc khu kinh tế và đường sắt có đầu tư từ Trung Quốc.  

Những năm gần đây, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đang “càn quét” mạnh mẽ qua từng ngõ ngách của các quốc gia Á – Phi – Âu với một loạt dự án hạ tầng được khởi động.

Với sáng kiến này, Trung Quốc đã cho vay hàng tỷ USD để kéo hàng chục nước nhỏ ở châu Á -Thái Bình Dương, đặc biệt những nước nghèo trong khu vực Đông Nam Á không có khả năng chi trả, vào quỹ đạo phục vụ chiến lược kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 30 năm tới đây.

Lo sợ rơi vào bẫy nợ giống như Sri Linka, một số quốc gia thuộc ASEAN gần đây đã liên tục xem xét lại các dự án lớn có các công ty Trung Quốc đầu tư.

Vào ngày 4/7, chính phủ Malaysia đã đưa quyết định dừng 3 dự án với kinh phí vay từ Trung Quốc, được ký kết từ thời cựu Thủ tướng Najib Razak, trong đó bao gồm tuyến đường sắt bờ biển phía đông trị giá 20 tỷ USD và 2 đường ống dẫn dầu trị giá 2,3 tỷ USD.

Việc Malaysia quyết định dừng thi công các dự án trên với nhà thầu Trung Quốc được xem là tín hiệu cho thấy tân Thủ tướng Mahathir Mohamad đã thực hiện đúng cam kết do ông đưa ra trước đó về việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này.

Cuối tuần trước, Reuters dẫn lời Thủ tướng Mahathir cho biết “những điều khoản không công bằng” trong các dự án với Trung Quốc sẽ là vấn đề thảo luận chính trong chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh vào tháng 8 tới.

“Có nhiều vấn đề phát sinh trong các dự án bao gồm những điều khoản thiếu công bằng, không có lợi cho Malaysia. Chúng tôi cũng lo ngại lãi suất cho vay quá cao”, ông Mahathir nói.

Trước đó, nhà lãnh đạo Malaysia khẳng định sẽ xem xét lại hoặc tái đàm phán toàn bộ những dự án “mơ hồ” với Trung Quốc, bao gồm cảng nước sâu ở eo biển Malacca và một khu công nghiệp quy mô lớn.

“Đây là một phần của đất nước được trao cho người nước ngoài. Nếu có thêm những khu công nghiệp như thế này… chúng ta sẽ sở hữu đất đai ngày càng ít đi”, nhật báo Nikkei dẫn lời ông Mahathir cảnh báo tại hội nghị “Tương lai châu Á” ở Nhật Bản hồi tháng 6.

Không chỉ riêng Malaysia, chính phủ Myanmar cũng đang đánh giá lại dự án cảng nước sâu có có mức vốn đầu tư 10 tỷ USD và được Trung Quốc tài trợ vốn vay vì lo ngại mức chi phí quá đắt đỏ sẽ dẫn đến nguy cơ dự án vỡ nợ và rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc.

Đông Nam Á đang ‘thức tỉnh’ trước bẫy nợ của Trung Quốc
Dự án cảng Kyaukpyu đang bị đánh giá là quá tốn kém. (Ảnh: Reuters)

Trang tin Nikkei dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Myanmar Soe Win cho biết nước này sẽ giảm bớt quy mô dự án đặc khu kinh tế tại thị trấn Kyaukpyu tỉnh Rakhine với kinh phí vay từ Trung Quốc lên đến 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, chính phủ Myanmar ngày càng lo ngại về khoản vay từ Trung Quốc để thực hiện dự án này.

“Chúng tôi rút ra được nhiều bài học từ các quốc gia khác, theo đó đầu tư quá mức đôi lúc không mang đến kết quả tốt đẹp. Vấn đề đặt ra là chúng tôi có đủ khả năng trả nợ hay không? Chúng tôi sẽ phải cắt giảm quy mô và tất cả chi phí không cần thiết của dự án”, ông Soe Win cho biết.

Dự án cảng nước sâu Kyaukpyu sẽ mở ra cho Trung Quốc một hành lang thương mại trực tiếp từ tây nam Trung Quốc đến Ấn Độ Dương thông qua Myanmar, cho phép các công ty Trung Quốc có thể không cần phải vận chuyển hàng hóa thông qua eo biển Malacca (kết nối Biển Đông với Ấn Độ Dương) trong trường hợp cần thiết.

Không chỉ như vậy, dự án còn là một phần trong chương trình đầu tư 1.000 tỷ USD của Bắc Kinh theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm củng cố các tuyến cung cấp năng lượng và vận chuyển hàng hóa thông qua lục địa Á – Âu. Cảng nước sâu Kyaukpyu sẽ là một trong những dự án xây dựng hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Myanmar.

Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Myanmar sẽ giảm quy mô dự án đến mức nào.

“Điều này tùy thuộc vào các cuộc đàm phán, nên chúng tôi không thể nêu cụ thể. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc phải có trách nhiệm đảm bảo lợi ích cho hai bên”, theo Bộ trưởng Soe Win.

Tính đến cuối năm 2017, nợ nước ngoài của Myanmar là 9,6 tỷ USD, trong đó 40% từ Trung Quốc.

Kiều Ngọc