“Tôi không có kiến thức về địa lý, về độ lớn của châu Âu. Tôi thậm chí không biết tính khoảng cách bằng km. Nếu tôi biết nó xa đến mức nào, có lẽ tôi không dám đi. Thật may tôi không biết.” – Trích “Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu”.
“Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu” là câu chuyện có thật về hành trình 4 tháng đi xe đạp của chàng họa sỹ Pradyumna Kumar Mahanandia (PK). Anh đạp xe từ Ấn, đi qua Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo và Đan Mạch để đến Thụy Điển, với mục đích duy nhất là tìm gặp người yêu mình, tên Charlotte Von Schedvin.
Họ đã gặp và yêu nhau tại Delhi vào một ngày định mệnh cuối năm 1975, khi Von Schedvin yêu cầu chàng họa sĩ nghèo vẽ cho cô một bức chân dung.
Có thể với nhiều người, hành động của chàng trai có phần phi lý, ngốc nghếch, hay thậm chí là ngớ ngẩn. Nhưng xét cho cùng, với những người đang yêu, chẳng có rào cản nào ngăn họ đến được với nhau, kể cả khoảng cách về địa lý.
Hai người yêu nhau say đắm ngay từ những ngày đầu gặp gỡ. PK đã bán toàn bộ gia sản nhỏ nhoi của mình để mua một chiếc xe đạp. Với 80 USD trong túi, chàng họa sĩ bước vào một cuộc hành trình 3.600 km, trải dài qua 8 nước, từ Ấn Độ tới Thụy Điển, trong vòng 4 tháng, để có thể tới được với người mình yêu.
Cuộc hành trình của PK cũng ghi lại những cuộc đấu tranh và nỗi tuyệt vọng của anh phải vượt qua những thử thách khắc nghiệt trong tình yêu cũng như trong cuộc đời.
Như chuyện tình của Romeo và Juliet, hai nhân vật chính trong cuốn sách phải vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ mới đến được với nhau.
Truyện có sức hấp dẫn đặc biệt bởi cuộc hành trình của trái tim và ý chí đã được hòa quyện, minh chứng cho niềm tin, và giá trị cao đẹp của tình yêu và cuộc sống.
Không chỉ khiến người đọc cảm kích trước chuyện tình cảm động của một cặp đôi, “Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu” còn hóa giải mọi khác biệt văn hóa Đông -Tây, cho ta hiểu nhiều hơn về xã hội Ấn Độ phân biệt đẳng cấp trong quá khứ, với nhiều mảnh đời éo le khác nhau.
Cũng vì thế, sách không đơn thuần là bài ca về tình yêu kiên cường và mạnh mẽ, “Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu” còn mang đến cho ta cái nhìn tích cực và lạc quan hơn về niềm tin, cuộc sống và tương lai.
Per J Andersson – tác giả cuốn sách giải mã thông điệp hành trình của nhân vật mình thật ngắn gọn mà sâu sắc: “Quê hương anh có lẽ cần có nhiều người hành hương vì yêu thương hơn nữa.”
Cuốn sách khép lại như một lời chúc tốt lành, món quà tinh thần lý tưởng dành cho những người đang có tình yêu và cả với những ai đã và đang chịu nhiều thử thách, nghịch cảnh trong tình yêu.
H.H