Các yếu tố gây rối trên thị trường tài chính và tranh chấp thương mại với Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, một cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nhận định.

Ông Yu Yongding, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là cựu cố vấn của PBOC, cho biết có “một số yếu tố đáng lo ngại” xuất hiện trên thị trường tài chính Trung Quốc, như làn sóng cho vay ngang hàng, bong bóng bất động sản và suy thoái kinh tế vào nửa cuối năm nay.

Trong một diễn đàn tài chính ở tỉnh Hắc Long Giang vào cuối tuần qua, ông Yu nói rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc và tâm lý thị trường. Không chỉ vậy, việc Mỹ tăng lãi suất và khủng hoảng tài chính tại các thị trường mới nổi cũng sẽ có tác động không nhỏ đến nền tài chính của cường quốc châu Á này.

Theo hãng tin SMCP, ông Yu cũng cảnh báo về những rủi ro của cú trượt giá 18% của đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 10/8 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng gấp đôi thuế thép và nhôm của nước này trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai nước leo thang.

Đồng Lira giảm mạnh đã khiến các đồng tiền trên thị trường châu Âu như đồng Euro và đồng Rúp sụt giảm theo.

“Đã có một cuộc thảo luận giữa các ngân hàng đầu tư về việc liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nữa hay không. Nếu có, cái gọi là hiệu ứng bầy đàn giống như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc”, ông Yu nhận định.

Cũng với những yếu tố trên, ông Yu cảnh báo đồng Nhân dân tệ “sẽ đối mặt với áp lực giảm giá” vì những dự đoán về việc có thể bị phá giá.

“Tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên chuẩn bị cho một đợt thoái vốn mới và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ. Điều này có thể không xảy ra nhưng chúng ta nên ngăn chặn mọi hiểm họa trước khi chúng ập đến”, ông Yu chia sẻ.

Ngày 11/8 đánh dấu dịp kỷ niệm năm thứ ba Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định cho phép đồng Nhân dân tệ biến động tự do hơn so với đồng USD và các đồng tiền khác.

Vào năm 2015, PBOC đã phá giá tới 2% trong vòng 3 ngày liên tiếp kể từ ngày 11/8. Điều đó đã khiến các thị trường hoảng loạn, dẫn đến dòng vốn liên tục chảy ra trong bối cảnh lo ngại kinh tế giảm tốc.

Ông Yu kiến nghị các nhà chức trách kiểm tra “cận thận” bất kỳ loại hình tài chính nào để tránh các luồng vốn lớn chảy ra ngoài cũng như ngăn cản các đồng tiền kỹ thuật số bị lợi dụng như một công cụ cho việc thoái vốn.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý của PBOC được công bố ngày 10/8, ngân hàng này cho biết Trung Quốc sẽ không áp dụng chính sách đồng Nhân dân tệ yếu làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

PBOC cũng cảnh báo rằng chiến tranh thương mại sẽ tấn công trực diện vào xuất khẩu, có thể là tâm lý thị trường, khiến sự hỗn loạn trên thị trường tài chính rối hơn.

Đồng Nhân dân tệ đã giảm 5% so với đồng USD trong quý II/2018, sau khi tăng 3,9% trong 3 tháng đầu năm, theo số liệu của PBOC.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang và tăng trưởng kinh tế chậm hơn, đồng nội tệ của Trung Quốc có phiên mất giá mạnh, giao dịch mức 7 Nhân dân tệ/USD.

Tuần trước đó, PBOC đã tăng chi phí đầu cơ ngoại hối trong hợp đồng kỳ hạn nhằm ngăn chặn sự trượt giá của đồng Nhân dân tệ.

Nhưng ông Yu cho rằng mọi người đều bị ám ảnh bởi một con số cụ thể và không có sự khác biệt nào về tỷ giá hối đoái là 7 hay 6,9 Nhân dân tệ/USD.

“Có vẻ như PBOC đã gửi một tín hiệu cho thị trường rằng mục tiêu của họ không phải nhằm vào bảo vệ đồng Nhân dân tệ ở trên mức 7 Nhân dân tệ/USD. Họ sẽ chỉ ra tay khi đồng Nhân dân tệ mất giá quá nhiều”, ông Yu nhận định.

Kiều Ngọc