Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc về lâu dài chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Theo một số chuyên gia, nhiều khả năng Trung Quốc có thể xả hàng sang Việt Nam để né mức thuế nhập khẩu 25% của Mỹ.
Chia sẻ trên Thanh niên, chiến lược gia Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC phụ trách thị trường châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ, nhận định chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động đến sản xuất thương mại của Việt Nam theo 2 hướng.
Thứ nhất, hàng thấp cấp của Trung Quốc nhân cơ hội này sẽ tranh thủ gắn mác hàng xuất khẩu sang Mỹ nhưng bị tồn dư để đẩy vào thị trường Việt Nam. Nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng Việt sẽ sập bẫy mua phải hàng chất lượng thấp của Trung Quốc.
Thứ hai, nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp nặng từ Trung Quốc sẽ được xả hàng do thuế xuất sang Mỹ cao quá. Trong trường hợp này, các nhà sản xuất Việt Nam có thể tính toán tăng mua dự trữ nguyên vật liệu để sản xuất với mức giá rẻ.
Cơ hội là vậy, nhưng theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về vốn sẽ tận dụng cơ hội tốt hơn các doanh nghiệp nội do mức thuế của Mỹ đang đánh vào hàng xuất khẩu Trung Quốc thuộc các lĩnh vực như động cơ, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện viễn thông, dệt may, da giày…
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cho rằng Việt Nam chủ yếu gia công nhóm hàng điện tử hay dệt may, da giày nên nếu nói hưởng lợi thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được lợi nhiều hơn doanh nghiệp nội.
Trong khi đó, nhiều ý kiến quan ngại các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách tuồn hàng sang thị trường thứ 3 như Việt Nam để lách xuất xứ rồi xuất sang Mỹ.
Vnexpress dẫn lời Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho biết Việt Nam từng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép do cáo buộc xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc mượn thị trường Việt Nam làm nguồn xuất xứ cho hàng hoá của nước này xuất sang Mỹ, đó sẽ là lợi bất cập hại cho các doanh nghiệp Việt.
Tương tự, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – bày to lo lắng nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại với Mỹ khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Rủi ro này được chủ tịch VCCI đặc biệt quan ngại khi kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017.
Tuy nhiên, một số quan điểm lạc quan hơn cho rằng sự dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn như Việt Nam đang là xu hướng. Căng thẳng về đầu tư Mỹ – Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam để thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú huých để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.
Vỹ An