Hàng loạt các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc đang chịu tổn thương khi căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang mặc dù “phát súng” đầu tiên của cuộc chiến này vào tuần tới mới chính thức khai hỏa.

George Lau, Phó Chủ tịch văn phòng đại diện các công ty châu Âu (EU) hoạt động tại Trung Quốc, cho biết một công ty logistic lớn của châu Âu đã quyết định đóng cửa tuyến vận tải Trung Quốc – Mỹ vì báo kiến luồng vận chuyển giữa hai quốc gia này sẽ sụt giảm nghiêm trọng khi quyết định áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc của Mỹ có hiệu lực vào ngày 6/7 tới.

“Bây giờ họ không biết nên làm gì. Vì là một phần của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đề không thể tránh được việc bị tổn hại. Doanh nghiệp càng lớn thì càng bị ảnh hưởng sâu”, ông George Lau nói.

Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, ông Mats Harborn, cho rằng cuộc chiến thương mại này khiến các công ty châu Âu trì hoãn quyết định đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã liên hệ với các công ty đa quốc gia để hỗ trợ giải quyết những cản trở từ chính sách đánh thuế của Mỹ.

Tại một cuộc họp với các giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia của Mỹ và châu Âu tại Bắc Kinh vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ mở cửa kinh doanh trong suốt cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và sẽ mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Thương mại và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ rút ngắn danh sách các khu vực mà các công ty phương Tây bị hạn chế đầu tư.

Mặc dù Trung Quốc cho rằng họ đã luôn “trung thành” với những cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và muốn hệ thống thương mại tự do tiếp tục phát triển, nhưng ông Mats Harborn phản biện rằng, về cơ bản, hiện tại Trung Quốc đã gây ra nhiều căng thẳng thương mại vì luôn không thực hiện đúng các cam kết với WTO.

“Theo cuộc khảo sát được tiến hành, một nửa các công ty châu Âu hoạt động ở Trung Quốc nói rằng không có thị trường mới nào được mở cửa trong năm nay,” ông Mats Harborn nói thêm.

Dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp châu Âu vẫn chọn lựa ở lại Trung Quốc mặc cho môi trường thương mại của nước này đang xấu đi và chi phí vận hành tăng cao.

Các công ty EU cũng rất quan tâm đến chương trình phát triển công nghệ “Made in China 2025” do Trung Quốc tài trợ nhưng hiện có rất nhiều rào cản đối với các công ty nước ngoài.

Theo một khảo sát, 65% các công ty châu Âu có quyền tiếp cận vào các lĩnh vực công nghiệp thuộc phạm vi chương trình “Made in China 2025” của Trung Quốc.

“Sự thành công của “Made in China 2025” sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc cho phép các công ty của mình tự do tích hợp với công nghệ. Việc tiếp cận với các chuỗi cung ứng toàn cầu nên miễn phí và cởi mở”, Harborn nói.

Trước đó, tính gộp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2018, tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 227,54 tỷ Nhân dân tệ, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, FDI đổ vào các lĩnh vực công nghệ cao đạt tốc độ tăng trưởng 12,8%, chiếm 19,3% tổng lượng FDI.

Kiều Ngọc