Cá mái chèo (hố rồng) được người dân một số nước trên thế giới quan niệm là loài cá dự báo động đất. Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, liên tiếp 6 con cá mái chèo chết dạt vào bờ biển Quảng Bình khiến dư luận xôn xao.

Theo Kiến Thức, mới đây, tại Quảng Bình lại xuất hiện một con cá “động đất” chết dạt vào bờ biển, đây là con thứ 6 được phát hiện trong vòng hơn 1 tuần. Là loài cá sống ở tầng đáy, vì thế cá mái chèo liên tiếp dạt bờ là hiện tượng hiếm gặp.

Trước đó, dân vùng biển từng gặp cá chết dạt bờ, tuy nhiên việc này rất ít thấy, 2 đến 3 năm mới phát hiện 1 con.

Về đặc điểm, các mái chèo có mình dẹt, vây lưng màu đỏ tươi, có sừng phía trên đầu, là loài cá xương dài nhất còn sống trên thế giới, với chiều dài có thể đạt được là 17 m và có thể nặng tới 270 kg, những con cá dạt bờ gần đây có con lên tới 100 kg.

Việc bờ biển Quảng Bình liên tiếp xuất hiện nhiều cá mái chèo chết, trôi dạt vào bờ có nhiều đồn thổi là điều không tốt, là điềm báo nắng hạn, lụt lớn.

Chuyện loài cá này liên tục dạt vào bờ được lý giải bằng nhiều giả thuyết khoa học khác nhau.

Cá mái chèo dạt bờ - Điềm báo động đất hay do môi trường biển ô nhiễm?
Cá mái chèo liên tiếp dạt bờ biển Quảng Bình. (Ảnh: Kiến Thức)

Ông Nguyễn Hồng Phương – Viện Vật lý Địa cầu cho biết, hiện tượng động vật báo trước động đất thì có rất nhiều. Chuột, kiến, rắn, chim, cá heo… rất nhiều loài được cho là có khả năng cảm nhận thính nhạy hơn con người trong việc nhận biết các biến đổi của địa chất, khí quyển, nhưng cho đến nay chưa có thước đo nào từ các dấu hiệu này để khẳng định động đất. Hành vi của động vật không phải lúc nào cũng nhất quán nên không thể dựa vào đó để đưa ra thông tin cảnh báo.

Cá mái chèo dạt bờ - Điềm báo động đất hay do môi trường biển ô nhiễm?
Cá dạt bờ do ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Zing.vn)

Theo Zing.vn, ông Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho rằng, cá mái chiều dạt biển báo hiệu động đất có thể đúng về mặt lý thuyết. Khi động đất xảy ra, áp lực trong các lớp đá có thể tạo ra điện tích tĩnh, khiến các ion tích điện được giải phóng trong nước.

Tuy nhiên, việc loài cá này dạt vào bờ biển Quảng Bình thời gian trước và gần đây chưa thể khẳng định chúng là điềm báo trước động đất. “Cá trôi dạt bờ biển có thể do các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm, đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường nước”, ông Huỳnh lý giải.

Những năm gần đây, môi trường biển ô nhiễm tạo nên những hiện tượng hiếm gặp. Vì môi trường biển đang bị ô nhiễm bởi dầu tràn, kim loại nặng, các hoá chất độc hại khiến cá mái chèo thiếu oxy, chúng buộc phải lên tầng cao hơn để tồn tại. Do không thích ứng với môi trường mặt biển, nên chúng có thể chết và trôi dạt vào bờ.

Ở nước ngoài, việc cá mái chèo liên tiếp dạt bờ cũng gây ra những ý kiến không đồng nhất từ các nhà khoa học.

Nhà nghiên cứu Mark Benfield của Đại học bang Louisiana từng nói trên Live Science rằng, trước trận động đất Tohoku và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản, khoảng 20 con cá mái chèo bị mắc cạn trên bờ biển.

Trong khi đó, ông Hiroshi Tajihi – chuyên gia đến từ Trung tâm động đất Kobe (Nhật Bản) nói: “Đây là chỉ là quan niệm mê tín, không có mối liên hệ rõ ràng giữa động đất và những loài cá dưới biển sâu”.

Năm 2013, hiện tượng cá mái chèo xuất hiện liên tục từng được ghi nhận ở bang California, Mỹ. Nhưng người ta chưa từng ghi nhận có trận động đất nào xảy ra sau khi cá mái chèo xuất hiện, theo Dân Việt.

Cá mái chèo, còn gọi là cá hố rồng hay cá phớn, được ngư dân trang trọng gọi là Ngài. Đây là một trong những loài cá được ngư dân vùng biển hết sức coi trọng, ví như vị thần biển linh thiêng, đồng hành giúp những người đi biển ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản, giúp đỡ ngư dân khi gặp hoạn nạn trên biển.

Thúy Quỳnh