Đạt kỷ lục 16 cơn bão hoành hành, kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao, tổ chức APEC… là những sự kiện xã hội được nhiều người quan tâm trong năm 2017.
Tổ chức thành công APEC 2017
Diễn ra từ đầu tháng 11, APEC 2017 là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2017 do Việt Nam tổ chức. Có tới 21 lãnh đạo nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương nhóm họp tại Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng.
Thành công của APEC 2017 một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày được nâng cao. Với vai trò nước chủ nhà, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và xuất hiện nguy cơ chia rẽ, Việt Nam đã cùng và 10 thành viên APEC vẫn thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cũng tại diễn đàn APEC 2017, lần đầu tiên ở nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố với thế giới quan điểm và tầm nhìn chiến lược của hai cường quốc này.
Trong Tuần lễ Cao cấp APEC 2017, Việt Nam đã chủ trì, điều hành nhiều hoạt động quan trọng, như: hai phiên họp kín chủ đề “Tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững” và “Các động lực mới cho thương mại, đầu tư và liên kết khu vực”; Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit), Hội nghị tổng kết Các quan chức cấp cao APEC (CSOM), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh (VBS), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế (AMM)…
Kỷ lục 16 cơn bão hoành hành
Năm 2017 ghi nhận nhiều kỷ lục về thiên tai, bão lũ. Trong năm nay, có tới 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới hoành hành, phá kỷ lục 14 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới năm 2013.
Trong đó, bão số 12- Damrey đổ vào Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gây thiệt hại rất lớn với người dân từ Phú Yên đến Khánh Hòa. Đây là khu vực chưa từng đối mặt với bão lớn trong 30 năm qua.
Với sức gió 133km/h, bão số 12 lao thẳng vào Khánh Hòa. Kế đó, hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh gây mưa đến 1.000 mm, nhấn chìm nhiều huyện, thị dưới nước lũ cao đến 4 m. Bão số 12 là cơn bão tàn phá nặng nề nhất trong 16 cơn bão năm 2017, khiến 107 người chết; 16 người mất tích; thiệt hại 22.600 tỷ đồng, chiếm gần 40% thiệt hại do thiên tai cả nước năm 2017.
Cùng với bão dữ, lũ quét, sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng tại Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) và các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình),…
Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2017 ước tính trên 60.000 tỷ đồng (trên 2,65 tỷ USD).
Xử lý, kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao
Ngày 26/12, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định truy tố ông Đinh La Thăng- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp.HCM. Trước đó, ngày 8/12, ông Đinh La Thăng đã bị bắt trong vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVN. Từ tháng 5/2017, ông Thăng đã bị Trung ương cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Tp. HCM vì “mắc khuyết điểm nghiêm trọng”.
Cùng với Đinh La Thăng, trong năm 2017, hàng loạt cán bộ cao cấp đương chức và đã về hưu bị xử lý, kỷ luật ở các mức độ khác nhau, đó là: Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Đà Nẵng, Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, Võ Kim Cự – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phạm Văn Vọng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương….
Việc truy tố, kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao được dư luận ghi nhận, đánh giá là nỗ lực làm trong sạch bộ máy lãnh đạo và kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân tham nhũng.
“Bão tiền lẻ” ở BOT Cai Lậy
Năm 2017, tình trạng người dân phản đối tại các trạm thu phí xảy ra ở nhiều địa phương. Trong đó, nóng bỏng nhất ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Cho rằng trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí, giới tài xế đã phản đối việc thu phí bằng cách dùng tiền lẻ mệnh giá100 đồng, 200 đồng, 500 đồng để trả tiền mua vé. Việc này khiến giao thông ùn tắc, trạm thu phí BOT Cai Lậy liên tục phải xả trạm và phải hoãn thu phí lần 2 sau 3 tháng. Sự kiện “bão tiền lẻ” ở BOT Cai Lậy đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong tháng 11 năm 2017.
Trước đó, tình trạng người dân, tài xế phản đối thu phí BOT giao thông bắt đầu từ khoảng tháng 4/2017 và xuất hiện ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Phú Thọ… Giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc cố tình làm biến tướng, bóp méo hình đầu tư này.
Xét xử hàng loạt đại án kinh tế
12 đại án kinh tế đã được đưa ra xét xử trong năm 2017 và thu hút sự quan tâm từ dư luận.
Trong số đó,sự quan tâm rất lớn từ dư luận dành cho phiên tòa xét xử đại án Oceanbank. Đã có tới 727 người bị triệu tập, 51 bị cáo với khoảng 50 luật sư tham gia bào chữa xuất hiện trong vụ xử những kẻ làm thiệt hại gần 2000 tỷ đồng. HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn mức án tử hình, Hà Văn Thắm án tù chung thân.
Bên cạnh vụ án này, các đại án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín; vụ “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); vụ “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn… cũng được đưa ra xét xử.
Sự cố y khoa ở Hòa Bình
Sự cố diễn ra cuối tháng 5/2017 ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã làm 8 người tử vong. Sự vụ nghiêm trọng này được Bộ Y tế thừa nhận là chưa từng có ở Việt Nam. Giới y khoa gọi đây là một thảm họa lớn.
Qua quá trình điều tra, nguyên nhân xảy ra sự cố khiến các nạn nhân tử vong là nguồn nước lọc thận không kiểm định đúng quy trình. Sau đó, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; đồng thời khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 bị can.
Cùng với sự cố trên, năm 2017, ngành Y tế đối mặt với nhiều vụ việc nghiêm trọng: vụ 4 trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bắc Ninh, vi phạm trong quản lý, sử dụng thuốc điều trị ung thư… Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi sang năm 2018, ngành y tế sẽ làm gì để lấy lại niềm tin của xã hội.
Quyết tâm giành vỉa hè ở Sài Gòn
Đầu năm 2017, chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Sài Gòn được triển khai. Quận 1 được giao nhiệm vụ tiên phong. Đoàn công tác liên ngành do ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch quận 1 dẫn đầu lập tức xuống phố thực thi nhiệm vụ.
Quý 1 năm 2017 được cho là cao điểm của “chiến dịch giành lại vỉa hè” ở Sài Gòn. Không chỉ quận 1, nhiều quận thành phố Hồ Chí Minh và địa phương khác cũng mở chiến dịch “đòi vỉa hè”. Lãnh đạo thành phố tuyên bố sẽ xử lý nghiêm cấp dưới nếu vỉa hè bị tái chiếm. Một số cán bộ cấp quận cũng tuyên bố sẽ nghỉ việc, từ chức nếu không hoành thành nhiệm vụ.
Sau gần 10 tháng triển khai, vỉa hè ở Sài Gòn đã được dành cho người đi bộ nhiều hơn. Nhiều vỉa hè tuyến phố trở nên thông thoáng. Tuy nhiên, việc không ít người mưu sinh nhờ vào vỉa hè từ bao năm qua nay mất đất sống đã gây dư luận trái chiều về chiến dịch này
Vào những tháng cuối năm 2017, chiến dịch vỉa hè ở nhiều nơi đã có dấu hiệu chùng xuống, có nơi bị tái chiếm hoàn toàn. Đến nay, cuộc chiến đòi lại vỉa hè vẫn chưa kết thúc.
Thanh Thanh