Cùng với sự thăng hoa của thị trường chung, số lượng những người “siêu giàu” trên sàn chứng khoán cũng tăng phi mã. Nếu như cách đây vài năm chỉ có khoảng hơn 10 người nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá từ 1.000 tỷ trở lên thì đến cuối năm 2017 đã tăng lên hơn 50 người.

Đặc biệt, khối tài sản của nhóm những dẫn đầu tăng lên mức cao chưa từng thấy dẫn đến việc tiêu chuẩn để giữ một vị trí có thứ hạng cao trong Top 10 hay Top 20 cũng ngày một cao lên.

Nếu như năm 2016, chỉ cần sở hữu tối thiểu 2.500 tỷ đồng là đã đủ để đứng trong Top 10 người giàu nhất thì sang năm 2017, tiêu chuẩn đã tăng gần gấp đôi lên 5.000 tỷ đồng.

Dưới đây là danh sác 10 người giầu nhất trên sàn chứng khoán Việt:

  1. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup: Giá trị tài sản 119.156 tỷ đồng

Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, tốt nghiệp kinh tế địa chất tại Nga và khởi nghiệp tại Ucraina với thương hiệu mì ăn liền Mivina và công ty Technocom. Vợ ông, bà Phạm Thu Hương là một cộng sự đắc lực của ông từ đó (và cho đến nay, hiện họ có ba con). Sau đó ông chuyển đầu tư, kinh doanh về Việt nam.

Vingroup chuyên kinh doanh bất động sản, khách sạn, nay chuyển hướng kinh doanh đa ngành sang các lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử, nông nghiệp, giáo dục, y tế, hạ tầng giao thông và mới đây sang lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện với thương hiệu Vinfast.

Theo bái chí nước ngoài, rất có thể ông Phạm Nhật Vượng sẽ là người Việt đầu tiên sỡ hữu trên 10 tỷ USD và người giàu nhất Đông Nam Á trong những năm tới.

   2. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn  FLC: Giá trị tài sản 58.851 tỷ đồng

Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27/11/1975 trong một gia đình công chức nghèo ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC, ông được xem là tỷ phú USD thứ 2 (người thứ nhất là Phạm Nhật Vượng) trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 27/10/2016 với giá trị tài sản 22,7 ngàn tỷ đồng, tương đương 1,02 tỷ USD.

Tuy sở hữu gần 2 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam (tháng 3 năm 2017) nhưng Trịnh Văn Quyết không được Forbes ghi nhận tỷ phú USD, Forbes chỉ ghi nhận Việt Nam có 2 tỷ phú USD là Phạm Nhật Vượng (Vingroup) và Nguyễn Thị Phương Thảo (VietjetAir) và vẫn đang theo dõi đánh giá tài sản của ông Trịnh Văn Quyết.

  3. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet: Giá trị tài sản 24.737 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1970, tốt nghiệp đại học về kinh tế, tài chính tại Nga, tiến sỹ kinh tế, khởi nghiệp tại Nga, nữ tỷ phú USD đầu tiên ở Việt nam, dẫn dắt Vietjet từ 2007.

Bà là phó Chủ tịch Ngân hàng HDBank, cổ đông sáng lập Sovico (chủ sỡ hữu Furama Resort Đà Nẵng). Hãng hàng không Vietjet tuy thành lập năm 2007, nhưng đến cuối năm 2011 mới bay chuyến đầu tiên.

Nhưng đến nay, Vietjet đã cạnh tranh ngang ngửa với Vietnam Airlines, thậm chí vượt thị phần tại nội địa.

Ngoài hàng không, bà Thảo cũng là một tên tuổi trong giới ngân hàng tại Việt Nam. Bà hiện là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT của HDBank.

  4. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát: Giá trị tài sản 17.876 tỷ đồng

Ông Trần Đình Long, sinh năm 1961, tốt nghiệp Đại học Kinh Tế Hà Nội, sáng lập Tập đoàn Hoà Phát (từ 1995). Vợ ông, bà Vũ Thị Hiền, cũng là cổ đông lớn của Hoà Phát, nhưng không giữ chức vụ gì. Hoà Phát là công ty sản xuất thép hàng đầu Việt nam, có tham gia kinh doanh bất động sản, nhưng lợi nhuận của tập đoàn chủ yếu từ sản xuất thép.

Theo đánh giá của giới đầu tư, Hoà Phát là công ty phát triển vững bền nhất Việt nam, có thể vài năm tới sẽ có lợi nhuận sau thuế hàng năm trên 10.000 tỷ đồng, sau khi dự án thép ở Dung Quất đi vào hoạt động.

  5. Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Vicostone: Giá trị tài sản 13.273 tỷ đồng

Ông Hồ Xuân Năng sinh năm 1964, tại Nam Định. Vốn là một cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Nhưng sau đó, ông đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam. Năm 1999, ông Năng đến với Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.

Từ ngày 18/4/2013 đến ngày 12/06/2014: Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc CTCP Vicostone. Ngày 18/4/2013 đến 15/12/2016: Tổng Giám đốc CTCP Đá thạch anh cao cấp VCS. Từ ngày 12/6/2014 : Chủ tịch HĐQT – TGĐ CTCP Vicostone.

Theo số liệu công bố chính thức, ông Năng đang sở hữu 2.017.897 cổ phiếu VCS, tương đương 2,52% vốn điều lệ.

  6. Bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup: Giá trị tài sản 9.650 tỷ đồng

Bà Hương sinh ngày 14/6/1969 tại Hà Nội. Bà có bằng Cử nhân luật quốc tế tại Ukraine. Nữ doanh nhân này cũng là vợ của ông Phạm Nhật Vượng.

Bà Phạm Thu Hương được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup – tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam – và giữ vai trò là Phó Chủ tịch thường trực thứ hai.

Là vợ tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng đồng thời là lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp trị giá 5 tỷ USD, nhưng nhiều điều về doanh nhân tuổi Dậu Phạm Thu Hương vẫn còn bí ẩn.

7. Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Địa ốc NOVA: Giá trị tài sản 9.468 tỷ đồng

Ông Bùi Thành Nhơn sinh năm 1958 tại Đồng Tháp, là Cử nhân Nông nghiệp, tốt nghiệp khóa Executive MBA, HSB-TUCK, Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ. Ông là một trong những chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại TPHCM từ những năm 1980, thành viên Tổ chức Doanh nhân thế giới (YPO – WPO ).

Từ 1992 đến nay: Công tác tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa, hiện nay  ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland.

Các chức vụ đang nắm giữ tại tổ chức khác: Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu Tư Địa Ốc No Va; Chủ tịch HĐQT CTCP Novagroup; Chủ tịch HĐQT CTCP Diamond Properties; Chủ tịch HĐQT CTCP Anova Corp; Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Doanh Bio-Pharmachemie; Chủ tịch HĐQT CTCP Nova Mclub; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Một thành viên Novagroup Leadership Center.

  8. Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup: Giá trị tài sản 6.445 tỷ đồng

Bà Phạm Thúy Hằng là Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup (VIC), đồng thời là em vợ của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam tại thời điểm hiện tại.

Vingroup có giá trị hơn 3 tỷ USD đã đưa nhiều người trong gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng có sở hữu cổ phiếu VIC trở thành triệu phú USD

  9. Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thế giới Di động: Giá trị tài sản 6.084 tỷ đồng

Ông Nguyễn Đức Tài, sinh năm 1969, tốt nghiệp Đại học Kinh Tế TPHCM ngành Tài chính – kế toán và lấy bằng Thạc sỹ ngành Quản Trị Kinh doanh tại Học viện Quản trị CFVG. Ông là một trong những người sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động.

Với quan niệm “CEO giỏi cần có chữ tín và sự thành tâm”, ông Tài đã xây dựng được một đội ngũ mạnh, từng bước đưa Thế Giới Di Động trở thành một trong những nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam

10. Vũ Thị Hiền, vợ của ông Trần Đình Long: Giá trị tài sản 5.178 tỷ đồng

Bà Vũ Thị Hiền là vợ của ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Bà Hiền có thể gọi là người phụ nữ “giàu có và bí ẩn” nhất sàn chứng khoán, vì ngoài việc là vợ ông Trần Đình Long, không có thêm bất cứ một thông tin nào về bà Hiền. Hiện ông Long và vợ đang nắm trong tay 31,5% cổ phần của Hòa Phát.

Quang Minh