Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.
Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.
Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.
Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI
***
Dân tộc Pà Thẻn sinh sống trên những đỉnh núi cao của tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Trong cuộc hành trình mưu sinh trên những ngọn núi đá tai mèo hùng vĩ, người Pà Thẻn đã tạo cho mình một sắc màu văn hóa mang đặc trưng riêng của dân tộc mình. Trong sắc màu độc đáo ấy, trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn đã trở thành niềm tự hào và nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Khi mới nhìn qua trang phục của phụ nữ Pà Thẻn, hẳn có nhiều người sẽ nhầm với trang phục của phụ nữ Dao hoặc Mông. Nhưng nếu quan sát kỹ, sẽ thấy nét riêng đặc sắc trong mỗi bộ trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn.
Do định cư trên núi cao, thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, nắng gió nên trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn hết sức kín đáo. Trang phục của người Pà Thẻn ngoài chức năng bảo vệ cơ thể còn có chức năng xã hội và thẩm mỹ rõ nét.
Theo truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Bắc Quang (Hà Giang), một thiếu nữ Pà Thẻn trưởng thành, chuẩn bị đi lấy chồng thì phải tự tay mình thêu, dệt được bộ khăn, váy, áo để về nhà chồng cùng các vật dụng khác như chăn, gối. Vì vậy, trang phục của phụ nữ Pà Thẻn không chỉ là một bộ áo quần bình thường mà còn đánh dấu sự trưởng thành của người con gái mới lớn, là truyền thống trong mỗi gia đình.
Nét độc đáo trong trang phục của phụ nữ Pà Thẻn được thể hiện khá tỉ mỉ từ khăn đội đầu cho đến yếm, áo, váy, quần và xà cạp. Ngoài ra, bộ trang phục này còn nổi bật nhờ cách dùng màu của họ. Đó là màu đỏ tươi, vì vậy một số dân tộc gọi họ là người Mèo đỏ.
Phụ nữ Pà Thẻn xưa nay vẫn để tóc dài, được vấn quanh đầu bằng khăn đội đầu. Khăn đội đầu của phụ nữ Pà Thẻn gồm hai lớp, lớp vấn trong (ke sọ), màu chàm, dài 450-500cm, rộng 30cm. Khi sử dụng, gấp 6 nếp theo chiều dọc vấn nhiều vòng trên đầu tạo thành một vành tròn rộng như vành nón, lớp vấn ngoài làm bằng vải màu đỏ, hai đầu khăn để tua, trên khăn trang trí nhiều hoa văn màu đỏ, có tua rủ xuống hai bên tai. Cô dâu trong ngày cưới có thêm chùm tua đội đầu.
Trước khi đội khăn, người phụ nữ Pà Thẻn thường vấn tóc cho gọn thành vòng tròn ở đầu tạo nên thế chắc chắn để đỡ lấy khăn. Hai bên phía sau khăn để hai tua rua bằng vô số những sợi chỉ nhiều màu tạo sự cân đối cho khuôn mặt.
Công phu và tốn thời gian nhất là may áo. Áo của phụ nữ Pà Thẻn xưa kia được dệt thủ công khá công phu bằng nhiều loại chỉ. Người Pà Thẻn chỉ có một loại áo dùng cho cả 4 mùa và trong mọi hoàn cảnh, ngày thường cũng như ngày hội hè. Váy được may theo kiểu không cổ, khi mặc hai thân vắt chéo với nhau, thân sau dài hơn thân trước. Màu chủ đạo của áo là màu đỏ nhưng có phối màu với các màu sáng như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành các đường kẻ sọc. Cách cắt may và trang trí áo của phụ nữ Pà Thẻn hoàn toàn không giống với dân tộc nào. Hình thức trang trí của áo kết hợp thêu và ghép vải để phối màu đã tạo nên một phong cách riêng cho trang phục Pà Thẻn.
Váy của phụ nữ Pà Thẻn là loại váy hở, được làm bằng vải đỏ. Phần giáp với cạp váy được xếp thành nếp. Có thể chia các phần trang trí của váy thành năm phần: hai phần ngoài chỉ là vải đen, không trang trí hoa văn, khi mặc phần này sẽ được vắt chồng lên nhau về phía sau. Tiếp đến là hai phần được trang trí rất nhiều, thường được ghép vải đỏ, trắng, xen kẽ những dải thêu hoa văn. Phần ở giữa được chia làm hai mảng: nửa trên để viền đen không trang trí, nửa dưới màu đỏ và có thêu trang trí hoa văn
Cũng giống như các dân tộc khác, phụ nữ Pà Thẻn cũng dùng yếm trước ngực để tạo nên sự kín đáo và duyên dáng. Yếm của phụ nữ Pà Thẻn có hình vuông, có thêu hoa văn màu đỏ, màu vàng xen lẫn những đường kẻ trắng làm tôn thêm vẻ sặc sỡ của thân áo ngoài. Để cho thân hình gọn gàng, không vướng víu vào cây rừng mỗi khi lên nương rẫy, phụ nữ Pà Thẻn sử dụng thêm đai bó thân phía thắt lưng. Dây buộc được kết từ nhiều màu chỉ khác nhau nên rất hài hòa với vải áo và làm cho thân hình thon gọn.
Phụ nữ Pà Thẻn dùng hai loại dây lưng: màu đen và màu trắng. Trong sinh hoạt hàng ngày họ dùng màu đen, trong các dịp lễ hội hay cưới xin mới dùng loại dây lưng màu trắng.
Thời gian để dệt hoàn thiện một bộ trang phục với một người cũng phải mất hơn một tháng. Trong đó khó làm và mất nhiều thời gian nhất là những họa tiết, hoa văn cầu kỳ.
Cũng giống như dân tộc Thái, người phụ nữ Pà Thẻn cũng có kiểu trang điểm bằng tóc để phân biệt người có chồng và người chưa có chồng. Những phụ nữ đã có gia đình thường tết tóc đuôi sam, vấn quanh đầu thành vòng và lấy kẹp ba lá ghim lại. Những người chưa có chồng thì chỉ cặp tóc đằng sau theo kiểu đuôi gà.
Phụ nữ Pà Thẻn thường đeo 4 chiếc vòng bạc có bán kính nhỏ dần về phía cổ. Màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền đỏ của hoa văn áo. Phía trước ngực thường gắn một hình vuông những hàng đồng tiền xu tạo nên âm thanh leng keng mỗi khi đi. Các loại trang sức này thường được đeo nhiều vào các dịp lễ hội, các sinh hoạt cộng đồng, cưới xin… còn ngày thường họ chỉ đeo hoa tai.
Túi đeo cũng được coi là một vật trang sức với phụ nữ Pà Thẻn khi xuống chợ hay đi chơi xa và là vật không thể thiếu của cô dâu khi về nhà chồng.
Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ miền cao Pà Thẻn đã dệt nên những tấm áo, chiếc váy xòe cầu kỳ và độc đáo, thể hiện vẻ đẹp đặc trưng người phụ nữ Pà Thẻn tạo nên một nét chấm phá rất riêng trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ngút ngàn cao nguyên đá.
Tâm Liên