Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến trải qua bao thăng trầm lịch sử tuy đã có nhiều đổi thay nhưng không vì thế mà những dấu ấn linh thiêng trên mảnh đất kinh kỳ xưa bị lãng quên. Thăng Long tứ trấn – bốn ngôi đền thiêng nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn hướng đông, tây, nam, bắc của kinh thành xưa vẫn uy nghiêm, trầm mặc như một chứng nhân lịch sử cho nét đẹp văn hoá tâm linh của người Hà Nội.

Thăng Long tứ trấn gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã trấn phía Đông; Đền Voi Phục trấn phía Tây; Đền Kim Liên trấn phía Nam; Đền Quán Thánh trấn phía Bắc. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau. Thăng Long tứ trấn trải quá nhiều thời kỳ còn được tôn là “Thượng đăng phúc thần”. Vào thời kỳ đó Tứ trấn Thăng Long là nơi diễn ra các lễ hội Xuân, là nơi nhà vua chọn đến để dâng hương những ngày đầu năm. Và cũng từ đó, truyền thống này được tiếp nối cho đến tận ngày nay.

Đền Bạch Mã – Đông trấn Thăng Long

Nằm tại số 76 Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, lặng lẽ, uy nghi và trầm mặc, đền Bạch Mã không biết tự bao giờ đã trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong bức tranh muôn màu của phố cổ Hà Nội. Nhắc đến đền Bạch Mã, người xưa vẫn lưu truyền những câu thơ:

“Rồng cuộn đất thiêng thành thắng cảnh

Tích truyền Bạch Mã trấn danh châu

Cao Vương truyện cũ nay bùn đất

Vận đổi sao dời đã mấy thu” 

Ngôi đền thờ thần Long Đỗ, dẫn chúng Thăng Long xưa rất tôn sùng ngài, bởi ngài là một vị thần rất thiêng. Tương truyền năm 1010, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư đến Đại La, đổi tên thành Thăng Long. Sau khi dời đô đến Thăng Long,  Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng triều Lý bắt tay ngay vào việc đắp luỹ xây thành. 

Tuy nhiên, khi dựng thành, không hiểu vì sao cứ xây lên rồi lại sụp xuống. Thấy việc dựng thành gặp khó khăn, vua bèn tới đền thờ thần Long Đỗ – được dân gian coi là thần cai quản chốn Đại La cầu đảo, xin được phù trợ. Đêm đó, nhà vua nằm mộng thấy thần Long Đỗ nói rằng, cứ theo dấu chân ngựa mà đắp thì thành tất sẽ vững vàng. Thần vừa dứt lời, một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, thủng thẳng bước từ hướng Tây, rẽ qua hướng Đông một vòng, đi đến chỗ nào để lại dấu chân chỗ đó rồi biến mất vào trong đền.

Hôm sau, vua cho đắp thành theo dấu chân bạch mã như trong giấc mộng. Quả nhiên, thành Thăng Long không bị lún sụt nữa, thành được đắp cao lên, rất vững chắc.  Nhà vua cảm kích trước sự phò trợ của thần Long Đỗ, bèn ban sắc phong thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương (thành Hoàng bảo vệ cho Thăng Long). Lại cho tạc một bức tượng ngựa trắng để thờ trong đền. Và đặt tên cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ thành Bạch Mã linh từ (đền thiêng ngựa trắng).

Đền quay mặt về phía Đông Nam. Đền Bạch Mã thể hiện phong cách kiến trúc đặc trưng của thế kỉ XIX thời Nguyễn. Điểm nhấn rất riêng của ngôi đền cổ này chính là mái vòm hình mai con cua, có tác dụng khép kín các đơn nguyên kiến trúc. Đền Bạch Mã lưu giữ 15 văn bia (nội dung các văn bia đề cập sự tích của đền, thần, nghi lễ cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo). Đồng thời nhiều hiện vật quý cũng có mặt tại đây như Cỗ Long ngai có hàng chữ ghi tên vị thần được thờ chính, bức hoành phi “Đông trấn linh từ”, đồ thờ gồm các vũ khí thời cổ như xích, đao, thương, câu liêm… được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh xảo.

Hiện đền Bạch Mã vẫn giữ nguyên cấu tạo nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc Tam nguyên đồng hóa – tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu. Hàng năm, cứ đến ngày 13/2 âm lịchphố Hàng Buồm trở nên nhộn nhịp bởi hội đền Bạch Mã.

Đền Voi Phục – Tây trấn Thăng Long

Được bao bọc bởi những tán cây cổ thụ và mái ngói nhuốm màu thời gian, đền Voi Phục tọa lạc bên công viên Thủ Lệ (Ba Đình) là Tây trấn của kinh thành Thăng Long xưa. 

Truyền thuyết ghi lại rằng vị thần được thờ phụng trong đền Voi Phục vốn là một người con của Long vương, đầu thai thành hoàng tử của vua Lý Thái Tông và vị vương phi thứ bảy, được vua cha yêu quý đặt tên là Linh Lang.  Khi đất nước có giặc ngoại xâm, Hoàng tử Linh Lang vươn mình trở thành một tráng sĩ cưỡi voi xông trận, dẹp tan quân xâm lược. Sau chiến thắng, bỗng nhiên hoàng tử lâm bệnh, vua cha đến thăm, chàng tiết lộ thân thế không phải phàm nhân rồi biến thành con giao long trườn xuống hồ Dâm Đàm (tên cũ của Hồ Tây) và biến mất. Vua cho lập đền thờ, phong là “Thượng đẳng thần”- Linh Lang Đại Vương (năm 1065, vua Lý Thánh Tông cho lập đền).

Về kiến trúc, đền Voi Phục được xây theo kiểu chữ công. Gian ngoài là Đại bái, giữa là đền trung, trong cùng là hậu cung, mái lợp ngói mũi hài cổ. Hậu cung cũng có 5 gian, gian chính giữa sâu và cao nhất là nơi đặt tượng Linh Lang đại vương. Tượng có nét mặt thanh tú cao sang và nhìn còn rất trẻ. Tại tòa này được đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỷ XIX. Bên ngoài, cửa đền có đắp hai voi thần ở tư thế quỳ. Trong đền có tảng đá còn lưu vết lõm, tương truyền là do thần Linh Lang năm xưa gối đầu lên rồi hóa thành giao long.

Năm nào cũng vậy, Lễ hội đền Voi Phục diễn ra từ mùng 9 tới  ngày 11 tháng 2 âm lịch. Và đây là một hội rước lớn, với cờ quạt, chiêng trống nối nhau thành hàng dài cùng phường bát âm vô cùng nhộn nhịp. Lễ rước với ý nghĩa kiệu thánh đi vi hành ban phúc lộc cho nhân dân”.

Đền Kim Liên – Nam trấn Thăng Long

Đền Kim Liên bao đời nay nằm trên địa phận  huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (tức phường Phương Liên, quận Đống Đa bây giờ) là Nam trấn của kinh thành Thăng Long.

Theo thư tịch cổ, đền Kim Liên được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ để bảo vệ phía Nam kinh thành mới, đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn, thần Cao Sơn đã trợ lực cho Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh, vị thần núi có công trấn giữ sơn mạch nước Việt từ ngàn xưa. Đến năm 1509, vua Lê Tương Dực từ Thanh Hóa tiến về Thăng Long để lật đổ Lê Uy Mục đã vào đền và xin phù hộ. Giành được quyền bính, ông đã cho xây lại đền Kim Liên. Sau này, dân làng đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền và bổ sung các nếp nhà mới, tạo thành một ngôi đình làng, gọi là đình Kim Liên. Cổng đình và cửa chính điện đều hướng về phía tây-nam, xưa kia trông ra một con đầm ở cạnh ô Kim Hoa (tức ô Đồng Lầm) và đường cái quan vào Nam.

Chịu tác động của thăng trầm lịch sử, đến nay ngôi Đền không còn nguyên dạng (toàn bộ Nhà Bái đường đã bị tàn phá), chỉ còn lại Nhà Hậu đường ba gian, tam quan, cổng gạch và hai giải vũ.  Năm 2000, đền được tôn tạo, phục chế lại như ngày nay. 

Tam quan và Đền xây trên gò đất cao, từ sân bước lên phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê. Tam quan xây thành nhà hoàn chỉnh, kiểu tường hồi bít đốc. Bốn góc tường hồi có bốn cột trụ, bốn bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng, cột trốn. Các con rường chạm nổi hình mây cuốn, câu đầu và chạm lộng nhiều lớp hình tứ linh vô cùng đẹp với kỹ thuật tinh xảo. 

 

Hậu cung là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam – Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh phu nhân.

Di vật quan trọng nhất tại đền Kim Liên là tấm bia đá “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh”, tấm bia ghi về thần tích và bài minh ca ngợi Thần do Sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ – Hồng Thuận thứ 3 (1510). Bia cũ bị mờ nên được khắc lại vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng (1772). Điều đáng chú ý của di vật này chính là hiện tượng nhà miếu chứa tấm bia được bao quanh bởi rễ cây si cổ thụ. Phải chăng đây là một phép lạ để lưu giữ tấm bia ghi công đức to lớn của Cao Sơn đại vương được trường tồn mãi mãi cùng thời gian. 

Ngoài ra còn có một tấm bia “Lịch triều sắc tặng” thống kê lại các bản sắc phong từ thời Vĩnh Tộ 2 (1620) đến thời Tự Đức 3 (1850) và một tấm bia nhỏ ban tặng riêng cho bà Huệ Minh Trang Tịnh Phương Dung. Không những thế, đền Kim Liên sở hữu bộ sưu tập sắc phong đồ sộ, gồm 33 đạo sắc có niên đại từ thời Vĩnh Tộ (1619 – 1628) đến thời Khải Định (1916-1925).

Ngày nay, ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình này còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu. Lễ hội đền Kim Liên được tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch hàng năm.

Đền Quán Thánh –  Bắc trấn Thăng Long

Đền Quán Thánh còn gọi là đền Trấn Vũ. Đền nằm ở ngã tư đường Thanh Niên với đường Quán Thánh (Quận Ba Đình) là Bắc trấn kinh thành Thăng Long.

Truyền thuyết xưa kể rằng: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có hạn hán xảy ra. 

  

Đền được xây dựng từ năm 1160 (triều Lý), đến năm 1474, khi mở rộng Hoàng thành, vua Lê Thánh Tông cho di chuyển đền ra địa điểm hiện nay. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán.  Sang thời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như bây giờ.

Đền Quán Thánh gồm: Tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Cổng ngoài của đền nằm trên lề đường Thanh Niên. Cổng có bốn cột trụ với tượng bốn con phượng hoàng đấu lưng với nhau và con nghê trên đỉnh. Ở hai bên là hai bức bình phong đắp nổi hình mãnh hổ hạ sơn. Phía trên là tượng đắp nổi hình cá hóa rồng. Ở các mặt trước và sau của bốn cột trụ được trang trí bởi những cặp câu đối đỏ trông rất nổi bật.

Tam quan của đền có ba cửa và hai tầng. Trên gác tam quan có quả chuông đồng cao 1.5m, nặng 1 tấn, được đúc vào năm 1677, triều đại vua Lê Hy Tông. Tiếng chuông này đã đi vào ca dao với những câu thơ đậm chất trữ tình:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ

Canh gà Thọ Xương”.

Trong đền có tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng đen, cao 3,72 m nặng khoảng 4 tấn. Tượng có hình dáng một đạo sĩ ngồi, y phục nai nịt gọn gàng, tóc bỏ xoã, chân không giày, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm. Tác phẩm này cho hậu thế biết đến kĩ thuật đúc đồng và kĩ nghệ tạc tượng tinh xảo của bậc tiền nhân hơn 3 thế kỉ trước.

Hàng năm, Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3/3 âm lịch mỗi năm.

Không chỉ là các công trình có giá trị về lịch sử và kiến trúc, mà Thăng Long tứ trấn còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Trong dòng chảy lịch sử, mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến dường như vẫn luôn được các vị thần che chở, bảo vệ để nơi đây mãi yên bình. Giữa cuộc sống xô bồ và đầy náo nhiệt, bốn ngôi đền đã tạo nên một vẻ đẹp rất riêng – vẻ đẹp của một Hà Nội thời xưa cũ. Và đây cũng chính là điểm đến quen thuộc của những ai muốn lưu giữ những khoảnh khắc lắng đọng, bình an và thư thái trong tâm hồn.

Huệ Nhi