Sẽ chẳng khó để bạn nhận ra trang phục của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, ông hoàng công nghệ quá cố Steve Jobs chỉ luôn là một bộ quần áo giống nhau.
Từ câu chuyện chưa kể về bộ quần áo huyền thoại của Steve Jobs…
Trong cuốn sách Steve Jobs xuất bản năm 2011, tác giả Walter Issacson đã kể câu chuyện do chính Steve Jobs chia sẻ trong cuộc phỏng vấn về phong cách thời trang mà ông trung thành lựa chọn kể từ khi quay lại Apple (1998) đến lúc mất (10/2011).
Câu chuyện bắt đầu vào những năm 1980 khi Jobs tới thăm công ty điện tử Sony (Nhật Bản), ông đã bị bất ngờ vì thấy tất cả các nhân viên ở đây đều chỉ mặc một loại đồng phục. Tò mò, Jobs quyết định hỏi ngài Chủ tịch Akio Morita thì được biết là sau Thế chiến II, do khó khăn về tài chính khi phải bồi thường cho các nước thắng trận, người dân Nhật Bản phải chi tiêu vô cùng tiết kiệm, và tất nhiên Sony cũng không ngoại lệ.
Không chỉ Sony mà nhiều công ty đều phát cho nhân viên những bộ đồ giống hệt nhau. Điều này vô tình đã tạo nên sự độc đáo riêng vì chỉ cần nhìn vào đồng phục cũng biết ngay đó là người của công ty nào. Dần dần, theo thời gian, xu hướng này trở nên phổ biến và lan rộng ra toàn nước Nhật cho tới tận sau này.
Nghe được điều này, Jobs cảm thấy rất thích thú và muốn mang ý tưởng đó tới Mỹ. Sau đó, ông đã mời chính chuyên gia thiết kế đồng phục của Sony là Issey Miyake thiết kế bộ vest cho riêng Apple. Tiếc là mọi người trong công ty đều dửng dưng với ý tưởng của vị CEO, một số thậm chí còn thể hiện thái độ ghét ra mặt. Steve Jobs vẫn quyết không từ bỏ ý tưởng này. Ông quyết định tạo ra một bộ đồng phục cho… chính mình! Trang phục mà ông sẽ mặc trong bất cứ buổi ra mắt sản phẩm mới nào của công ty.
Đó chính là câu chuyện khởi nguồn cho bộ quần áo huyền thoại gắn liền với tên tuổi của Steve Jobs, giản dị nhưng không kém phần độc đáo, đến nỗi, không ít người nhầm tưởng rằng ông chỉ có… một bộ đồ mặc đi mặc lại.
Đến tủ quần áo “vạn người chê” của
Sở hữu số tài sản trị giá lên tới 43,4 tỷ USD, xếp hạng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất thế giới theo tạp chí Forbes, Mark Zuckerberg thừa sức để mua bất kì bộ quần áo đắt tiền nào mà anh muốn, thậm chí còn có thể mua hẳn một công ty hàng hiệu nào đó. Tuy nhiên, nhà đồng sáng lập của mạng xã hội lớn nhất thế giới đã khiến nhiều người phải sửng sốt khi chụp ảnh tủ quần áo của mình và chia sẻ qua Facebook: “Ngày đầu tiên đi làm sau giai đoạn chăm con, liệu tôi nên chọn bộ nào đây?”
Điểm bất ngờ ở đây đó là tủ quần áo của Mark chỉ có duy nhất một mẫu đó là chiếc áo thun và áo hoodies màu xám. Quả thực, chưa cần so sánh với giới thượng lưu, sành điệu, tủ quần áo này cũng khiến nhiều người bình thường cảm thấy nhàm chán. Tuy nhiên, chính từ sự đơn giản này, Mark Zuckerberg đã tạo dựng được cho mình một phong cách ăn mặc hết sức cá tính và độc đáo, giúp cho người ta có thể dễ dàng nhớ đến khi nhắc tới anh.
Và xu hướng “tủ quần áo con nhộng”
Trên thực tế, ngoài những người tỷ phú giàu kếch xù này, phong cách ăn mặc tối giản cũng được rất nhiều người bình thường yêu thích và trở thành trào lưu của năm 2017, được gọi là “tủ quần áo con nhộng”.
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để tạo ra một “tủ quần áo con nhộng”, bạn cần tuân thủ khá nhiều nguyên tắc và không phải ai cũng có thể làm được:
Đầu tiên, bạn cần xem xét đến yếu tố kiểu dáng (cổ áo, dáng áo, tay áo…), độ vừa vặn (rộng rãi, vừa người) và chất liệu (cotton, bông, tơ, lụa…). Có những người mặc áo cổ rộng đẹp hơn kiểu cổ nhỏ; có người mặc áo cổ vuông đẹp hơn cổ tròn và ngược lại… Khi dành thời gian mặc thử và “duyệt” để định hình phong cách, chắc chắn sau này bạn sẽ không phải phí tiền để mua những bộ quần áo không phù hợp nữa. Một cách làm vô cùng thông minh, tiết kiệm được đáng kể thời gian cũng như tiền bạc!
Thứ hai, bạn cần tuân thủ nguyên tắc “thà thiếu thốn chứ không lãng phí”. Ví dụ như, bạn sẽ chi 25 USD để mua một chiếc áo thun cơ bản chứ không dành 2 USD để mua một món hàng chất lượng kém bên đường. Bởi vì, với kiểu áo cơ bản, bạn sẽ có nhiều cơ hội mặc hơn và không lo bị lỗi mốt. Tin tôi đi, bạn chắc chắn sẽ không hối tiếc với khoản tiền mà mình đã đầu tư đâu!
Ngoài ra, nếu không có nhiều thời gian, bạn nên chú ý lựa chọn những trang phục dễ phối và không quá cầu kỳ cả về màu sắc lẫn kiểu dáng. Hãy tưởng tượng xem, sẽ thật tốt biết bao nếu một buổi sáng bạn đang rất vội vã đi làm, chỉ cần lấy đại một bộ đồ trong tủ ra mặc cũng chẳng lo bị xấu.
Cuối cùng, nguyên tắc khó tuân thủ nhất, đặc biệt với các tín đồ mua sắm: “một cái đến, một cái đi”. Tức là, bạn cần phải xả bỏ trước khi thêm vào. Ví dụ, nếu chiếc áo sơ mi của bạn vẫn còn được sử dụng thì bạn tuyệt đối không được mua thêm, bất kể là vì lý do gì. Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa rằng bạn sẽ tiết kiệm được bội tiền.
Nói tóm lại, nếu bạn cảm thấy mình đã tốn quá nhiều thời gian để quyết định xem mặc gì thì việc có một chiếc “tủ quần áo con nhộng” chắc chắn rất đáng để bạn thử.
Hãy nhớ rằng: Thứ quan trọng hơn những bộ trang phục, chính là người mặc trang phục ấy. Giá trị của cuộc sống nằm ở những trải nghiệm của bản thân mỗi người, chứ không phải là ở bộ đồ mà họ đang mang.
Hạ An