Mỗi khi tôi cảm thấy nhớ nhà, hình ảnh đầu tiên hiện lên trước mắt là cảnh bà ngoại nấu ăn. Món ăn của bà rất phong phú, có thịt băm sốt cà chua và hẹ, cơm chiên trứng hay sườn xào chua ngọt với tỷ lệ chuẩn. 

Nhiều lúc bà lục đục trong bếp rất lâu, nhất là với những món mà tôi thích. Bà chiều tôi nên bảo đích thân bà sẽ nấu. Những lúc đó, bố mẹ thường quát mắng rằng tôi đòi hỏi, bắt bà nấu nướng và cũng càu nhàu vì bà nấu chậm quá. Bà chỉ cười “Làm chậm mới nấu ngon được”. 

Bố mẹ tôi bận đi đánh lưới, nên phần lớn tuổi thơ tôi ở cùng bà. Nhà bà có cây khế tôi, có cả khu vườn rộng rãi. Tôi cùng lũ bạn thường chơi trốn tìm trong nhà bà, chơi cả ngày không biết mệt. 

Thế rồi thời gian thấm thoắt trôi qua, mái tóc bà cũng dần điểm bạc. Tôi cũng trưởng thành, sắp thành “sinh viên đại học chữ to” trên Hà Nội.

Khi tôi sắp đi, bà tỏ ra rất lo lắng, mỗi ngày đều lật giở cuốn lịch, kiểm tra xem tôi còn thiếu gì không. Sau đó bà hỏi tôi: “Mai con đi à?”. Đầu tiên tôi trả lời bình tĩnh, nhưng bà hỏi nhiều quá, khiến tôi thiếu kiên nhẫn “Tháng sau con mới đi, bà đã hỏi 10 lần rồi!”.

Bà nghe thấy liền bực mình nói “Đi luôn đi, ra ngoài quét sân rồi đi đi!”. Vậy là tôi lóc cóc cầm chổi đi quét sân. Quét xong bà lại nói “Đi luôn đi, dọn sạch đồ trên bàn của mày đi!” Tôi lại quay ra dọn đồ. 

Sau khi thấy tôi im lặng làm mọi việc, một lúc sau, bà vào phòng tôi khẽ hỏi: “Tháng sau con đi à? Con đã chuẩn bị hết đồ chưa?”. 

Ảnh minh họa: Pixabay.

Khi tôi đi nhập học trên thành phố. Trong đầu óc tôi đầy những ý tưởng thú vị về quán xá, phố phường nhộn nhịp và bạn bè mới. Nhưng bà rất lo lắng, ở nơi cách xa cả trăm km như vậy, liệu cháu gái có thể sống tốt không? 

Sau khi lên Hà Nội, tôi rất bận rộn đi học hoặc làm thêm. Tôi thường làm gia sư vì công việc khá nhẹ nhàng, mức lương cũng cao. Thường thì tôi rất ít khi gọi cho bà, nhưng mỗi tuần bà đều gọi tôi. Lúc nào cũng là “Hôm nay con ăn gì? Con đi đâu? Con học có tốt không?”. Tôi trả lời qua loa nhưng lúc nào kết thúc cuộc gọi tôi cũng nói: “Khi nào học xong con sẽ đưa bà đi chơi! Bà phải khỏe mạnh nhé, con vẫn ổn, bà đừng lo”.

Bà lại cười khúc khích. 

Mỗi lần tôi về quê, quả thực là một cuộc chiến! Bà ơi là bà! Bà bắt tôi phải mang theo bao nhiêu đồ, nào là thịt xông khói tự làm, trứng này, rau này, dưa chua này. Mặc dù tôi đã nhắc đi nhắc lại rằng tôi đã tự đi làm và có thể mua đồ ăn, nhưng bà vẫn không ưng ý. Bà nói làm sao ngon sạch bằng đồ ăn nhà làm được…

Vậy là tôi lại cun cút tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đủ thứ đồ mang lên thành phố. Mặc dù vậy, lên trên này, bạn bè thường khen món ăn của bà, khiến tôi có chút phổng mũi tự hào và tôi cũng tiết kiệm được một khoản kha khá nhờ chỗ đồ ăn tươi ngon của bà. 

Món ăn yêu thích của tôi là món thịt viên trứng sốt cà của bà. Ôi mới nghĩ mà đã thấy mùi vị thật thơm ngon! Bà thường đun thịt rất kỹ, cắn một miếng, thịt mềm như tan chảy trong miệng. Mỗi lần tôi về, bà lại chiêu đãi tôi món này, tôi ăn no căng bụng mới thôi. Khi tôi đi bà còn làm thêm một hộp, cho tôi mang lên thành phố. 

Ảnh minh họa: Pixabay.

Nhưng tôi đi học đến năm thứ hai, thì đợt mùa đông bà ho suốt, cả nhà đưa bà đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư thực quản giai đoạn cuối, chỉ còn sống được ba tháng. Cả nhà giấu bà chuyện này nhưng qua biểu hiện của mọi người, bà cũng đoán được tình hình khá nghiêm trọng. Bà nói bà già rồi, không muốn điều trị, chỉ muốn về quê. Ở quê có hàng xóm, không khí thoáng đãng. Phải rồi, cả đời bà có mấy khi phải đi viện đâu, nên bà không muốn ở lại… 

Tôi vội vàng về nhà và nói với bà: “Bà ơi bà muốn ăn gì? Để con nấu cho bà”. Bà nói muốn ăn món thịt viên trứng sốt cà. Tôi vào bếp và chuẩn bị theo trí nhớ của mình, nhưng mà tôi chợt nhận ra tôi không biết làm. Suốt bao nhiêu năm, đều là bà nấu cho tôi, tôi vốn chưa bao giờ từng thử làm món này. Tôi lên mạng tra công thức nhưng dường như cũng không giống. Luống cuống một hồi, vậy là tôi đành đến trước mặt bà: “Bà ơi bà dạy con”. 

Bà lấy ra một tờ giấy, viết nguyên liệu và vắn tắt cách làm. Thì ra thiếu một chút gia vị thôi hương vị cũng sẽ không chuẩn xác. Nhưng mà lúc tôi chuẩn bị xong món ăn, bà chỉ có thể nhìn và mỉm cười. Lúc này bà bị ho rất nhiều, và chỉ có thể ăn cháo. Tôi cắt từng miếng thịt nhỏ cho bà, nhưng bà vừa nuốt được 2 miếng thì đã ho dữ dội. Nước mắt của tôi không ngừng lăn. 

Cho đến khi bà mất, tôi đã học được nhiều món ăn của bà. Khi nhìn bức hình bà mỉm cười treo trên tường, tôi nhớ đến lời hứa vẫn chưa thể thực hiện của mình, và không thể ngừng khóc.  

Sau này tôi nhận ra, nửa sau của một câu chuyện, không nhất định luôn là màu hồng. Hóa ra không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian chuẩn bị tốt cho những cuộc chia ly. Khi còn trẻ tôi luôn nghĩ mình cần đến vùng đất mới, và khám phá những điều mới mẻ, tận hưởng tuổi trẻ, nhưng tôi cũng giống như những bạn trẻ khác, đã quá coi nhẹ những điều thật sự ý nghĩa là tình cảm gia đình. Chúng ta luôn nghĩ cha mẹ, ông bà, người thân sẽ mãi mãi ở đó. Nhưng thời gian vốn không đợi người, những thứ trân quý nhất chính là đang ở ngay bên cạnh ta. Trân trọng họ, trân trọng thời gian mới giúp chúng ta tương lai không phải hối tiếc về những gì đã qua. 

Ngọc Mai 

Tham khảo Cmoney

Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

Video:

videoinfo__video3.dkn.tv||4f7ddec95__