Tháp Hoà Phong nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, là di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân nổi tiếng, còn gọi là chùa Quan Thượng, dựng đời Minh Mệnh (1842) trên nền cũ của Lầu Ngũ Long.

Tháp Hoà Phong nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, là di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân nổi tiếng. (Ảnh: dkn)

Thế nhưng, tháp cổ này hàng ngày đang phải chịu nhiều vết bẩn do một bộ phận các bạn trẻ gây ra. Thực tế, tình trạng này đã tồn tại từ lâu. Nhân viên môi trường, các bạn tình nguyện viên đã nhiều lần làm sạch nhưng rồi lại tái diễn ngay sau đó. Những vết khắc hay dòng chữ nguệch ngoạc còn rõ nét: Anh yêu em, chúng ta là một gia đình, love forever (yêu nhau mãi mãi) … gây hiểu lầm cho khách nước ngoài đây là tháp tình yêu.

Nhiều khách nước ngoài ngỡ rằng đây là ngọn tháp tình yêu. (ảnh: kenh14)
Hiện nay, những hình ảnh này dù đã được xóa nhưng tường tháp trông vẫn nhem nhuốc. (Ảnh: xaluan)

Tường tháp Hòa Phong ngày càng trở nên nhem nhuốc, lớp chữ này chưa kịp mờ đã bị dòng khác viết đè lên… tất cả chỉ để chứng minh cho tình yêu của nhiều bạn trẻ, có bạn còn ký tên để chú thích rằng mình đã từng đến đây rồi chụp hình để về khoe lên Facebook.

Những nét bút có thể xóa đi nhưng thật khó để khắc phục những vết khắc như thế này (Ảnh: đkn)

Nhiều người không khỏi giật mình khi nhìn thấy những hình ảnh này. “Tôi thật không tin được hành động kém ý thức của nhiều người khi cố tình làm xấu đi hình ảnh của tháp Hòa Phong. Họ đặt cái tôi của mình lên trên hết mà không chú ý giữ gìn giá trị của lịch sử” – Nguyễn Huyền Trang (sinh viên trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) chia sẻ.

Tường tháp Hòa Phong ngày càng trở nên nhem nhuốc, lớp chữ này chưa kịp mờ đã bị dòng khác viết đè lên (Ảnh: đkn)

“Ngọn tháp cổ kính vốn là chứng nhân lịch sử nay lại trở thành nơi cho các bạn “dốc bầu tâm sự”. Nhìn thấy mà đau lòng”. Một thành viên khác đồng tình.

Tháp Hòa Phong đang rất cần được bảo vệ, giữ gìn. (Ảnh:dkn)

Tồn tại cùng thời gian, trải qua bao biến cố lịch sử, tháp Hòa Phong đã trở thành điểm đến đặc biệt của những người yêu thích lịch sử và văn hóa truyền thống Việt Nam, là công trình kiến trúc xưa, lâu đời, cổ kính thu hút khách du lịch nước ngoài. Ngày nay, ngọn tháp rất cần được bảo vệ, giữ gìn.

“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Không chỉ tháp Hòa Phong mà  Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Huế), núi Bài Thơ (Quảng Ninh), nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh)… cũng bị bôi bẩn, vẽ bậy.

Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế) – một bảo vật quốc gia đã bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên như “ma trận chữ” trông rất phản cảm. Nhiều người mê tín cho rằng mong muốn điều gì ghi lên chuông, khi tiếng chuông phát ra sẽ đến tai chư Phật và mong ước sẽ thành sự thật. Vì vậy, họ bất chấp quy định của nhà chùa biến bên trong Đại hồng chung như một chiếc bảng, chật kín dòng chữ cầu an, nguyện cầu tình yêu.

Một du khách chụp ảnh vì ngạc nhiên bảo vật quốc gia bị vẽ, viết bậy. (Ảnh: Võ Thạnh, dẫn theo Vnexpress)

Một kiến trúc tôn giáo nổi tiếng cả thế giới là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhiều năm qua đã phải chịu tình trạng bị viết, vẽ bậy lên tường. Nhìn từ xa, công trình 140 năm tuổi này vẫn uy nghi, tráng lệ nhưng khi đến gần, ai cũng nhận ra trên các mặt vách tường là hàng nghìn nét chữ, hình vẽ vô nghĩa được viết bằng bút xóa, khó tẩy rửa.

Những dòng chữ nguệch ngoạc, vô nghĩa trên tường nhà thờ Đức Bà (ảnh dẫn theo vnexpress)
Còn đâu nữa “Núi Bài Thơ như tranh”  (Ảnh: Vitalk.)
Những chiếc cột gỗ tại đền thờ Nguyễn Trãi cũng trở thành minh chứng tình yêu cho các bạn trẻ (ảnh: songmoi)
Đỉnh Fansipan và bia đá tại chùa Thầy bị vẽ bẩn. (Ảnh: Hà Nguyễn, Nguyễn Minh, dẫn qua zing.vn)
Dòng chữ sai chính tả khắc trên Tháp Bút (ảnh dẫn qua songmoi)

Khó mà giải thích nổi vì sao người Việt mình lại thích vẽ bậy đến thế, dường như, chúng ta thích cái gì vụng trộm, nghệch ngoạc? Vì thế, mà các di tích, đình chùa, thắng cảnh tham quan, dù đã được cảnh báo nhưng không ngăn nổi người ta thích “khắc”, thích “vẽ” tại những nơi tôn nghiêm. Có phải chăng càng cấm lại càng gây kích thích, càng đem lại hứng thú?

Một nhóm bạn trẻ xóa sạch chữ bẩn ở bia đá trên núi Bài Thơ. (Ảnh: Trần Văn Long, dẫn qua Zing.vn)

Nếu quy chụp tất cả là hành vi thiếu văn hóa thì có lẽ hơi nghiêm khắc, nhưng thực sự có một số người hoàn toàn không nhận ra hành động như vậy là sai. Họ làm theo bản năng, thấy người khác vẽ thì mình cũng vẽ, cũng lưu lại kỷ niệm cho “bằng bạn bằng bè” mà quên mất rằng đó là chốn linh thiêng, tôn nghiêm, rất cần được gìn giữ, bảo tồn.

Mong rằng người Việt mình sẽ sớm nhận thức đầy đủ về văn minh, lịch sự để những thắng cảnh, những di tích sẽ không bị tổn thương, bôi xấu thêm nữa. Sẽ chẳng có quy định, pháp luật nào có thể giữ gìn được những sản vật cha ông để lại cho hậu thế được vững bền bằng chính tâm thức của mỗi người Việt chúng ta.

Hiểu Minh