‘Trái tim tan vỡ’ không chỉ là một lối nói ẩn dụ trong văn học mà còn là một loại bệnh lý đã được y văn hiện đại công nhận. Trong thực tiễn, đây là một hội chứng đã được Đông y cảnh báo từ hàng nghìn năm về trước.
Trong cuốn tiểu thuyết “Ảo ảnh cuộc đời” được tác giả Fannie Hurst viết vào năm 1933 kể về một cô gái da đen trẻ tuổi đã phản bội gia đình mình và bỏ nhà đi theo những người bạn da trắng. Trái tim người mẹ già đã tan vỡ thành từng mảnh khi phải chứng kiến người con gái của mình chối bỏ gia đình và những truyền thống đã tiếp diễn qua nhiều thế hệ. Bà đã mất sau đó không lâu. Thật khó có thể tin được một cái chết có thể xảy ra chỉ do xúc động thái quá. Nhưng, từ hàng thập kỷ qua, y văn trên toàn thế giới đã công bố một vài trường hợp hy hữu chết vì bị biến động tinh thần đột ngột.
Hình ảnh trái tim tan vỡ thực sự là một loại bệnh lý đã được y văn thế giới ghi nhận
“Hội chứng trái tim tan vỡ” hay còn được biết đến với cái tên bệnh cơ tim Takotsubo (Takotsubo Syndrome – TTS) đã được các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát hiện vào đầu những năm 1990. Hội chứng này có 3 biểu hiện lâm sàng gồm: sự co thắt nhẹ tâm thất trái làm cho quả tim có dạng hình nón, cảm giác nghẹt thở và tăng tiết adrenalin. Đây là hội chứng thường gặp ở phụ nữ, tuy nhiên có thể gặp ở nam giới, đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc bị các stress trước đó.
Một nghiên cứu được tuyên bố trên tạp chí Heart Journal của châu Âu cho rằng quả tim cũng có thể “bùng nổ” vì những cảm xúc tích cực. Các nhà khoa học đã theo dõi 1750 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim Takotsubo ở Mỹ và 8 nước châu Âu.
Trong đó, họ tìm ra được 485 bệnh nhân với nguyên nhân mắc bệnh cơ tim Takotsubo do một sự kiện nào đó gây xúc động thái quá trong quá khứ. Bệnh cơ tim Takotsubo thường gặp ở phụ nữ mãn kinh, và 95% bệnh nhân trong số này là phụ nữ. Trong khi 96% các trường hợp mắc bệnh cơ tim Takotsubo là do các sự kiện đau buồn và stress , thì 4% là do các cảm xúc tích cực, chiếm 20 người trong cuộc nghiên cứu. Nhưng so với thực tế đó vẫn là một con số đáng kể. Một số nghiên cứu năm 2006 cho thấy, mỗi người chúng ta có khoảng 27% khả năng mắc các hội chứng tim mạch trong các bữa tiệc sinh nhật của mình.
Theo Howstuffworks, trong một thông cáo báo chí công bố kết quả nghiên cứu, điều tra viên chính của cuộc nghiên cứu, đồng sáng lập Cơ quan đăng ký quốc tế Takotsubo, bác sỹ tim mạch Jelena Ghadri cho biết: “Bệnh nhân bệnh cơ tim Takotsubo không đơn thuần chỉ chịu ảnh hưởng từ các cảm xúc tiêu cực. Niềm vui thái quá cũng là một tác nhân hết sức nguy hiểm với họ. Các bác sỹ nên nghĩ tới chẩn đoán bệnh này ở những bệnh nhân vào viện vì đau ngực và khó thở sau một biến cố cảm xúc thái quá, dù là tích cực hay tiêu cực.”
Đông y nói gì về hội chứng ‘trái tim tan vỡ’?
Theo y học cổ truyền, vui vẻ là một trong 7 loại tình chí (tình cảm, tinh thần) hay còn gọi là ‘thất tình’. Thất tình gồm: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh. Hỷ là vui vẻ, sung sướng; nộ là tức giận; ưu là u sầu, buồn bã; tư là tư lự, lo nghĩ; bi là đau buồn, đau thương; khủng là sợ hãi; kinh là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Thất tình có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật của nhân thân.
Thất tình là phản ứng tâm lý có tính bản năng, bình thường thì không có hại đối với sức khỏe. Thế nhưng khi thất tình biến động quá kịch liệt hoặc kéo dài quá lâu, thì có thể gây nên bệnh tật. Thất tình có xu hướng gây tổn thương đối với Tạng thông ứng với nó. Trong sách Nội kinh có viết: “Kinh, Hỷ thương Tâm; Nộ thương Can; Tư thương Tỳ; Bi, Ưu thương Phế; Khủng thương Thận”. Có nghĩa là kinh hãi và quá vui dễ gây tổn thương tạng Tâm; tức giận dễ gây tổn thương tạng Can; tư lự, suy nghĩ quá độ dễ gây tổn thương tạng Tỳ; bi thương, âu sầu quá độ dễ gây tổn thương tạng Phế; sợ hãi quá độ dễ gây tổn thương tạng Thận.
Trong thất tình, hỷ (vui) là một kích thích có lợi. Thông thường, tinh thần vui vẻ lạc quan rất có ích đối với sức khỏe. Vui vẻ, rất ít khi làm cho con người sinh bệnh. Tuy nhiên, vui đột ngột, vui quá mức, như điên như dại, thì “lạc cực sinh bi” (vui vẻ quá độ thì sinh bi thương), có thể làm cho tạng Tâm bị tổn thương. Tâm chủ huyết mạch, tàng giữ thần minh. Do vậy, khi Tâm tổn thương thì không tàng giữ được thần, khí huyết bị rối loạn, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Lời kết
Hội chứng trái tim tan vỡ nếu được phát hiện, điều trị kịp thời, thay đổi tâm trạng thì sẽ không để lại di chứng, không ảnh hưởng tới tính mạng. Tuy nhiên, đây là bằng chứng khẳng định những cung bậc cảm xúc đã có những tác động mạnh mẽ như thế nào đến sức khỏe của chúng ta.
Một số chuyện xảy ra trong cuộc sống làm cho bạn không biết phải phản ứng ra sao hoặc thể hiện một cách thái quá. Vậy nên, bạn hãy nuôi dưỡng một tinh thần minh mẫn, tâm hồn thư thái thông qua thiền định, thư giãn, khí công dưỡng sinh, thực hiện lối sống lành mạnh, tránh hút thuốc, tránh uống rượu bia, chế độ ăn uống hợp lý… Có như vậy, bạn sẽ điều hòa được ‘tình chí’, giữ tĩnh lặng bên trong, tự chủ được bản thân và bồi đắp nên một trái tim khỏe mạnh.
Yến Dương