Đằng sau bức tường với những nét chữ loang lổ, nguệch ngoạc là chuyện đời của biết bao gia đình có người thân đang phải chiến đấu với bệnh tật. 

Như bao bệnh viện khác ở Hà Nội, Bệnh viện E mỗi ngày tấp nập người từ khắp nơi đến khám bệnh, hoàn thiện hồ sơ, nhập viện, phẫu thuật. Nhưng trong guồng quay hối hả đó, nơi đây có một khu vực rất đặc biệt. Đó là khu vực cầu thang tầng 2 và tầng 3 phía ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức tích cực tại khu Trung tâm Tim Mạch. 

Theo VOV, nhiều người chọn khu cầu thang này làm “nhà trọ”. Chỉ cần chiếc chiếu mỏng để ngả lưng, suất cơm hộp ăn lót dạ và câu chuyện phiếm với gia đình của bệnh nhân khác cũng khiến họ an lòng phần nào khi người thân của mình đang hàng giờ trong phòng mổ, hàng ngày phải nằm ở Khoa Hồi sức. Thậm chí vì muốn gần người thân nên có những người đã chờ ở đây 2 tháng liền. 

Người thân lo lắng ngồi bên ngoài phòng mổ và khoa Hồi sức (ảnh: VOV).

Chia sẻ với PV Vietnamnet, bác sĩ Đoàn Thị Hoài Thu, Khoa Tim mạch trẻ em, Bệnh viện E, cho biết “Chúng tôi có phòng lưu trú cho người nhà bệnh nhân ở phía dưới, nhưng vì tâm lý sốt ruột, họ không yên tâm ngồi ở đó. Mọi người thường chờ ở quanh khu vực tầng 2 để nhanh chóng biết được tình hình của người thân mình”.

Theo bác sĩ Hoài Thu, mỗi ca mổ tim rất khó xác định được thời gian ca mổ kết thúc, do vậy trong thời gian chờ đợi người nhà thường rất lo lắng, sốt ruột.

“Cùng một dị tật, một bệnh đó nhưng mỗi người mỗi khác, những nguy cơ, rủi ro trong quá trình phẫu thuật của mỗi người cũng khác nhau. Có những ca mổ thậm chí kéo dài từ sáng tới đêm vẫn chưa xong”, bác sĩ Thu chia sẻ.

Cũng chính vì vậy mà trong khi chờ đợi người nhà đã tranh thủ gửi gắm những lời nguyện cầu, lời chúc bình an cho thân nhân của mình lên bức tường nơi đây.

(Ảnh: VOV).
(Ảnh chụp màn hình: Video Dân Trí).

Những bức tường quanh cầu thang tầng 2 này chi chít những dòng chữ có cái nắn nót, có cái nguệch ngoạc nhưng chứa đựng đằng sau là bao lo lắng, tâm tư và ước nguyện của gia đình với người thân đang phải điều trị.

(Ảnh: Vietnamnet).

“Nghĩa à, cố lên con trai. Bố mẹ luôn mong con khỏe mạnh để gia đình mình được đoàn tụ với nhau con nhé. Bố mẹ đặt hết hy vọng ở con đấy. Giá như bố mẹ có thể giúp con gánh vác được một phần nào đó thì đã tốt rồi con yêu. Bố mẹ yêu con nhiều lắm!”, một ông bố tâm sự. 

(Ảnh chụp màn hình: Video Dân Trí).

TS.BS Đỗ Anh Tiến, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, trung bình mỗi ngày, đơn vị thực hiện khoảng 10 ca mổ tim, cho trẻ em và người lớn.  

“Đầu tiên, mục đích chính của họ là viết số điện thoại lên tường. Bởi, trước đây, bệnh viện chưa có phòng lưu trú, hành lang bé, vì vậy họ phải đi ra ngoài nên họ ghi số điện thoại lên tường để khi có việc cần, trao đổi, bác sĩ có thể gọi cho họ. Sau này, nhiều gia đình cũng ghi lên đó. Thời gian chờ mổ lâu, họ lo lắng nên đã ghi lên đó, khiến ai đọc cũng xúc động”, bác sĩ Anh Tiến chia sẻ.

Ánh mắt khắc khoải khi chờ đợi người thân (ảnh: Vietnamnet).

Chia sẻ với PV VOV, Anh Quàng Văn Đương (30 tuổi, ở Lai Châu) hàng đêm không thể chợp mắt khi nghĩ đến đứa con gái của mình đang phải nằm trong Khoa Hồi sức tích cực. Anh Đương nói ngồi ở ngoài ngóng chờ tin con, vợ chồng anh chỉ biết viết lên tường, với hy vọng con sẽ vượt qua khó khăn này, sớm được ra viện trở về với gia đình.

Anh để lại dòng tin nhắn dành cho con gái trên tường: “Ngày 19/8/2019, cố gắng lên con gái yêu của bố mẹ…”.

Khoảng không nhỏ hẹp này có rất nhiều số phận khác nhau. Mọi người “vật vạ” ở đây cả ngày chỉ với hy vọng nghe được tin tốt lành về người thân của mình. Những dòng chữ viết lên tường ngày một nhiều, đem theo cả lo lắng, khắc khoải từng giờ của người chờ tin…

Video xem thêm: Bác sĩ – hành trình chữa bệnh cho chính mình

videoinfo__video3.dkn.tv||4b87923ab__