Nhiều người thường chủ quan bong gân, trật khớp là thương tích nhẹ, có thể tự điều trị. Các chuyên gia cảnh báo, việc dùng mật gấu, rượu, xoa cao… vào nơi bị thương có thể để lại hậu quả rất nặng nề.
Bong gân, trật khớp có thể xảy ra ở khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay, khớp khuỷu, vai…
Biểu hiện của bong gân tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương. Các triệu chứng của bong gân thường là đau, sưng nề, bầm tím tụ máu vùng khớp, giảm khả năng vận động khớp… Trong trường hợp nặng, bong gân dẫn đến lỏng khớp và mất chức năng của khớp.
Trật khớp thường có biểu hiện nặng hơn nhiều so với bong gân. Các triệu chứng của trật khớp bao gồm biến dạng khớp, sưng nề và bầm tím phần mềm xung quang khớp, đau rất nhiều, không vận động được khớp bị trật, có cảm giác tê bì, kiến bò vùng chi thể phía dưới khớp bị trật. Trật khớp có thể gây biến chứng tổn thương mạch máu và thần kinh kèm theo.
Nhiều người thường chủ quan, cho rằng đây là những thương tích nhẹ, có thể tự điều trị, chỉ đến bệnh viện khi có kết hợp với gãy xương, vì thế dẫn đến hàng loạt sai lầm và hậu quả nặng nề.
Xoa dầu nóng
Mọi người thường dùng mật gấu, rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương. Đây là sai lầm vì tổn thương dây chằng không được dùng các chất nóng tác động tại chỗ có thể gây chảy máu mạnh hơn.
Các chất có tính nóng chỉ nên dùng trong trường hợp gãy xương vì tác dụng của sức nóng sẽ làm tăng tiết dịch, máu làm nhanh liền xương hơn. Tuyệt đối không nên xoa vào nơi dây chằng tổn thương vì có thể dẫn đến teo cơ, cứng khớp.
Đắp thuốc lá
Cách điều trị dân gian có thể để lại những biến chứng và di chứng nặng nề như cơn đau kéo dài, teo cơ, cứng khớp và mất chức năng của khớp.
Cố gắng vận động
Do chủ quan với bệnh nên hầu hết người bệnh đều cố gắng vận động mà không tuân thủ yêu cầu phải cố định chỗ bong gân, trật khớp.
Việc cố vận động có thể dẫn đến đau dây chằng mạn tính, khó điều trị dứt điểm. Khi bị bong gân, tốt nhất nên bó bột trong vòng 1 tháng để cố định nếu không sẽ rất lâu khỏi và có thể dẫn tới mạn tính.
Nguyên tắc xử trí khi bị bong gân, trật khớp
1. Để chi thể bị tổn thương được nghỉ ngơi
Trong trường hợp bong gân nhẹ, cần hạn chế vận động khớp bị tổn thương. Nếu tổn thương khớp chi dưới, cần hạn chế đi lại hoặc hỗ trợ bằng nạng. Nếu tổn thương khớp chi trên, cần tránh các động tác gây đau cho khớp. Khi đỡ đau, có thể nhẹ nhàng tập vận động trở lại.
Trong trường hợp bong gân nặng, cần phải để khớp bị thương tổn ở tư thế cơ năng – khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn nhờ bó bột hoặc nẹp bột. Sau 4-6 tuần, có thể cho người bệnh tập vận động trở lại.
2. Chườm lạnh
Sử dụng túi chườm lạnh cho vùng khớp bị thương tổn. Chườm lạnh cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chấn thương, trong khoảng 15-30 phút, 4-8 lần/ngày trong vòng 48 giờ đầu hoặc cho đến khi thấy đỡ sưng nề.
Nếu sử dụng đá để chườm, cần tránh chườm một vị trí trong thời gian quá lâu gây bỏng lạnh phần mềm.
3. Băng ép vùng khớp bị thương tổn
Sử dụng băng chun để thực hiện băng ép. Băng ép quá chặt sẽ gây khó chịu cho người bệnh nhưng cũng không quá lỏng.
4. Nâng cao chi thể bị tổn thương
Để vùng ngọn chi (bàn tay, bàn chân) cao hơn vùng gốc chi (khuỷu, gối) hoặc nâng cao vị trí khớp bị thương tổn hơn mức tim khi có thể tạo thuận lợi cho máu trở về tim dễ dàng nhằm hạn chế và phòng ngừa sưng nề cho vùng chi thể bị tổn thương.
Nên đến gặp bác sĩ nếu bị chấn thương lại vào vùng khớp đã bị bong gân, trật khớp, để điều trị tránh biến chứng nguy hiểm.
Lan Phương