Nghĩ đến Đông y là người ta liên hệ đến thuốc thang, cao, hoàn, lá, rễ … nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vị thuốc đầu tiên không giống vậy, nhưng lại hết sức hiệu nghiệm.

Y học phương Đông được khởi nguồn từ Trung Hoa, đất nước lâu đời với nền văn mình 5.000 năm. Các phương pháp trị bệnh ở Trung Quốc từ thời cổ đại đã vô cùng phát triển như châm cứu, xoa bóp, nắn khớp, điểm huyệt, khí công trị bệnh, thảo dược trị bệnh…

Một liệu pháp dưỡng thương, chữa bệnh thần kỳ

Tiếu ngạo giang hồ (Ảnh: Internet)

Nếu đã từng say mê các tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, thì hẳn bạn sẽ không thể nào quên được hình ảnh nàng Doanh Doanh đàn cho Lệnh Hồ Xung nghe để đem lại sức mạnh nội tâm và nguồn sống cho chàng. Trong căn nhà nhỏ giữa rừng trúc tĩnh mịch, tiếng đàn cổ cầm vang lên du dương khắp không gian. Lệnh Hồ Xung ngồi im giữa phòng lắng nghe Cô Cô đàn bản “Thanh tâm phổ thiện chú” một cách say mê. Không nhận ra mí mắt mình cứ nặng dần, chàng nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ… sau khi nghe đàn ngủ một giấc, tỉnh dậy cảm thấy tinh thần phấn chấn, nội thương, phiền não cũng tiêu giảm…

Trong chữ Hán, âm nhạc và thuốc có nét tương đồng (Ảnh: Shen Yun)

Trong chữ Hán, chữ “Dược” (藥) xuất phát từ chữ “Nhạc” (樂). Nó phản ánh một điều khó tin nhưng có thực: Chức năng nguyên thủy của âm nhạc là để trị bệnh. Sau này, người ta phát hiện ra rằng một số loại thảo mộc nhất định cũng có thể trị bệnh, nên họ đã thêm bộ “Thảo” (艹), tức là cỏ cây, lên trên chữ “Nhạc”. Từ đó chữ “Dược” ra đời.

Sức mạnh hàn gắn thân tâm diệu kỳ của âm nhạc cổ

Vậy làm sao mà âm nhạc lại có thể trị bệnh? Khi miêu tả về âm nhạc truyền thống, người xưa, đặc biệt là người Trung Hoa thường nói tới cụm từ “Đức âm nhã nhạc”, hay “Âm nhạc tao nhã và đức độ”, cho rằng âm nhạc tốt là tiếng của đức, chỉ có loại âm nhạc này có thể trình diễn ở chùa và hội trường, truyền dạy rộng rãi trong dân chúng. Đây là thuật ngữ được dùng để miêu tả âm nhạc bắt nguồn từ văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Nó nhấn mạnh về đạo đức, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, cũng như mang tới năng lượng tích cực giúp cải thiện sức khỏe.

Đông y coi cơ thể người là một tiểu vũ trụ, vũ trụ được cấu thành bởi ngũ hành Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ, bên trong cơ thể người cũng có ngũ tạng Tâm-Can-Phế-Thận-Tỳ tàng chứa tinh khí của cơ thể và có sự vận chuyển qua lại giữa các tạng; bên ngoài có 5 giác quan, ngón tay có 5 ngón… đều có mối tương thông.

Âm nhạc hiện đại có 7 cung nhưng âm nhạc cổ Trung Hoa chỉ có 5 cung tương ứng với ngũ tạng của cơ thể, nên nói nó có thể trị bách bệnh cũng hẳn là vô căn cứ.

Ngũ cung và ngũ tạng (Ảnh: ĐKN)

Âm nhạc Trung Hoa là dựa trên hệ thống âm nhạc cổ truyền dân tộc bao gồm 5 loại âm điệu, 5 nốt nhạc chính gọi là ngũ âm. Năm âm thanh này được sắp xếp thành: Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, và Vũ.

Theo nguyên lý ngũ hành liên hệ đến âm nhạc cổ truyền Trung Hoa, các âm giai đều gắn liền với một hệ thống khái niệm về vũ trụ cũng như các hoạt động bên trong thân thể người. Mỗi người đều có ngũ tạng là Tâm, Can, Phế, Thận, Tỳ và ngũ quan là miệng, tai, mũi, mắt, và lưỡi cũng như 5 ngón tay trên mỗi bàn tay… hẳn đó không phải là chuyện ngẫu nhiên.

Theo truyền thống Trung Hoa, bất cứ âm giai nào trong ngũ âm đều có thể ảnh hưởng đến những nội tạng bên trong của con người và có thể hoạt động như là một cơ cấu điều hòa. Âm nhạc có thể tăng cường sự điều tiết, khai mở ý tưởng, và điều hòa nhịp tim. Bởi vì người ta có những chỗ khác nhau, nội tạng của người này cũng khác người kia, nên âm nhạc cũng ảnh hưởng đến họ theo những cách khác nhau.

Ví dụ một bản nhạc với âm trưởng cung (ứng với đô) sẽ làm tăng năng lượng của lách, cơ quan cùng nhóm với dạ dày, và đóng vai trò trong vai trò tiêu hóa, chuyển hóa, và tạo năng lượng. Lách nuôi dưỡng cơ và ngăn ngừa vết thâm tím, chảy máu.

Lách cũng tăng cường tư duy và khả năng xử lý thông tin của chúng ta. Do đó, âm cung tốt cho những người có xu hướng hay bực dọc, dễ thâm tím, mắc bệnh chuyển hóa chậm, tiêu hóa kém, và thường mệt mỏi. Âm cung cũng giúp giảm lo lắng và vun đắp lòng trắc ẩn.

Một ví dụ của âm Cung là bản “Thập Diện Mai Phục”

Âm thương (ứng với rê) tăng cường năng lượng của phổi. Cùng nhóm với ruột già, phổi đóng vai trò trong hô hấp và phân phối khí tới toàn bộ cơ thể qua các mạch máu và kinh lạc. Phổi cũng nuôi dưỡng da và tóc, giúp điều hòa sự hấp thu và thải nước, và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Cảm xúc có liên hệ với phổi là đau buồn.

Do đó, âm nhạc với cung thương tốt cho những người đang đau buồn, những người dễ bị cảm lạnh, những người gặp vấn đề về xoang và hệ thống hô hấp. Âm nhạc với âm thương có thể giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn nếu bạn thấy mình yếu đuối về tinh thần, và tăng thêm tính kiên trì, khả năng kiểm soát bản thân.

Ví dụ, bản nhạc “Tan đi đau buồn” (“Sorrow melts away”)

Âm giốc (ứng với mi) làm tăng cường năng lượng của gan, một tạng cùng nhóm với bàng quang, và đóng vai trò trong sự lưu thông tự do của năng lượng và máu, đồng thời âm giốc giúp điều hòa sự tiêu hóa, kinh nguyệt, tính khí và giấc ngủ. Do đó bản nhạc với âm giốc tốt cho những người bị suy nhược hay dễ cáu kỉnh, hoặc những người bị nhức đầu, đau, mất ngủ và huyết áp cao. Âm giốc đồng thời cũng giúp ích cho việc đánh giá và lên kế hoạch một cách chiến lược, xoa dịu cơn tức giận, phẫn uất, thất vọng và tốt cho thị giác. Âm giốc cũng có thể bồi đắp lòng khoan dung và lòng nhân hậu.

Ví dụ, bản nhạc “Các Đạo sĩ núi Võ Đang”

Âm chủy (ứng với sol) tăng cường năng lượng của tim, một cơ quan cùng nhóm với ruột non, và đóng vai trò trong các chức năng cao cấp của hệ thần kinh trung ương, bao gồm có nhận thức, nhận thức cảm quan, và ngôn ngữ. Tim cũng nuôi dưỡng các mạch máu và giúp cải thiện nước da mặt. Âm nhạc với cung chủy tốt cho những người tuần hoàn máu kém, có vẫn đề về tim, và bị suy sụp. Nếu cơ thể nhiễm lạnh, âm nhạc với cung chủy giúp làm ấm cơ thể. Nghe nhạc với cung chủy cũng có thể làm tăng thêm tính khiêm nhường và kính trọng người khác.

Một ví dụ về bản nhạc với âm Chủy là “Từng bước đề cao” (“Bộ bộ cao”)

Âm vũ (ứng với la) tăng cường năng lượng của thận, một cơ quan cùng nhóm với bàng quang, đóng vai trò trong giữ và thải nước, cũng như làm tăng cường năng lượng nuôi dưỡng não, xương và tóc. Thận đóng vai trò trong chức năng sinh dục và thụ thai, và cũng giúp ích cho thính giác. Âm nhạc với cung vũ tốt cho người muốn nâng cao khả năng tự kiểm soát bản thân, hoạt động nhanh nhẹn, tăng khả năng có thai, tăng cường trí nhớ, và sự tập trung. Âm vũ tăng cường sức mạnh ý chí và xua tan sợ hãi, có thể khiến con người cảm thấy hạnh phúc khi cho đi.

Ví dụ, bản nhạc “Tất cả cho hôm nay” (“All for today”)

Từ góc độ Trung y thì âm nhạc truyền thống hoặc cổ điển là tốt nhất. Tương tự, âm nhạc du dương có thể xoa dịu và chữa lành, âm nhạc nghịch tai ngược lại có thể gây xáo trộn và có hại. Một số loại âm nhạc hiện đại có kích thích quá mạnh đến các giác quan và cảm xúc của con người, vì thế mà phá vỡ sự cân bằng lục phủ ngũ tạng của thân thể. Nghe nhiều âm nhạc loại này sẽ ảnh hưởng đến thính giác và có tác dụng xấu đối với sức khỏe.

Hoàng Kỳ t/h

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.