Ở một số khu vực quá khô hanh hoặc không khí bị bụi bẩn, con người thường cảm thấy trong lỗ mũi khó chịu, có rất nhiều chất nhầy khiến lỗ mũi bị tắc nghẽn. Trong tình huống như vậy, rất nhiều người có thói quen ngoáy mũi. Có ý kiến cho rằng, ngoáy mũi để lấy chất nhầy ra là một thói quen xấu, rốt cuộc vấn đề này là như thế nào?
Chất nhầy trong mũi là sản phẩm phụ trong quá trình trao đổi chất của con người. Trong lỗ mũi con người có một màng mỏng được gọi là niêm mạc mũi. Bộ phận này không ngừng tiến hành trao đổi chất, chất nhầy mũi là sản phẩm sót lại sau khi lớp màng này khô đi.
Ngoài thành phần của lớp niêm mạc mũi ra, trong chất nhầy này còn có rất nhiều vi sinh vật và các hạt bụi bẩn hấp thụ từ không khí, đây chính là lý do tại sao có lúc chất nhầy lại có màu đậm.
Thường thì vi sinh vật trong chất nhầy này không gây ra bệnh, chỉ có khi sức đề kháng của con người kém thì mới gây nên tình trạng đó. Vì thế, đối với một vật chất như chất nhầy mũi, con người thường thích ngoáy nó ra để làm thông lỗ mũi. Vậy thì, việc lấy chất nhầy mũi ra có lợi hay có hại?
Trên thực tế, dù là khoa học nghiên cứu hay thực tiễn lâm sàng thì đều chứng minh rằng, việc lấy chất nhầy mũi rất dễ khiến con người mắc bệnh. Lỗ mũi thuộc vào vùng tam giác nguy hiểm trên khuôn mặt con người, nếu để vi khuẩn xâm nhập vào thì rất dễ bị nhiễm khuẩn, chúng thâm nhập vào các xoang hang thông qua tĩnh mạch, thậm chí còn thông qua các xoang hang và thâm nhập vào sọ não gây nên tình trạng não bị nhiễm trùng khó kiểm soát. Nếu đôi tay không sạch sẽ, việc ngoáy mũi sẽ rất dễ đưa vi khuẩn vào cơ thể con người.
Nhà khoa học ở châu Âu chứng minh, những người có thói quen ngoáy mũi để lấy chất nhầy ra rất dễ mang theo vi khuẩn tụ cầu vàng vào cơ thể. Hơn nữa, nếu chúng ta không cẩn thận để tay tiếp xúc với độc tố gây ra căn bệnh cảm cúm, sau đó dùng tay để ngoáy mũi thì càng nguy hiểm hơn.
Ngoài việc “giúp” vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể một cách nhanh chóng hơn thì hành động ngoáy mũi còn làm tổn thương đến lông mũi. Đối với những người sống trong môi trường đầy bụi bẩn thì lông mũi là hàng rào cuối cùng để ngăn chặn bụi bẩn thâm nhập vào cơ thể, từ đó giúp ngăn chặn vi khuẩn, khói bụi đi vào phổi thông qua con đường hô hấp để gây bệnh.
Tại sao con người lại thích ngoáy mũi như vậy? Nhà khoa học người Anh cho biết, đây là một thói quen bẩm sinh, nó cũng giống như trẻ em bú sữa vậy. Nhưng, nếu đã là thói quen có hại cho sức khỏe thì các bác sỹ vẫn kiến nghị mọi người rằng nếu muốn ngoáy mũi, tốt nhất hãy dùng tăm bông nhúng trong dung dịch nước muối để vệ sinh lỗ mũi, như vậy vừa không làm tổn thương đến niêm mạc mũi mà hiệu quả lại vô cùng rõ rệt.
Đức Hải (theo Meirihaowen)