Không ít người khi bị thương ngoài da từng tới hiệu thuốc mua thuốc bột về rắc vết thương cho nhanh khỏi mà không biết rằng việc này không những chẳng có tác dụng điều trị mà còn làm vết thương càng lâu khỏi và tăng nguy cơ dị ứng, sốc phản vệ, gây nguy hiểm cho tính mạng.
Theo báo Tuổi trẻ, một bệnh nhi 7 tuổi rơi vào tình trạng sốc phản vệ, hôn mê sâu, suy gan, suy thận nặng vì rắc thuốc kháng sinh lên vết bỏng nước sôi kích thước chỉ 1,2 x 2 cm, may mắn thay em bé được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy hiểm.
Theo người nhà kể thì họ đã tự mua thuốc kháng sinh dạng bột (có thể là Ampicillin và Penicillin) pha nước đun sôi để nguội rồi thoa lên vết bỏng.
Xét về góc độ chuyên môn, sốc phản vệ có thể do cơ địa người bệnh di ứng với kháng sinh dòng Penicillin (một kháng sinh có tỷ lệ bệnh nhân dị ứng cao, nếu bệnh nhân đã nhạy cảm quá mức với kháng sinh này thì tiếp xúc theo đường nào: ngoài da, uống, thậm chí ngửi… cũng có thể bị sốc phản vệ) nhưng cũng không thể loại trừ nguyên nhân từ bản thân việc bôi kháng sinh một cách tùy tiện.
Nhiều người thường thấy, khi rắc thuốc vào vết thương đang chảy nước, nhiễm trùng giúp miệng vết thương kín lại, khô ráo và nhanh lành hơn.
Thực ra, việc này ngăn chặn sự thoát mủ, mô hoại tử và vi khuẩn gây tích tụ dịch rỉ viêm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển theo chiều sâu, nặng thì có thể gây hoại tử lan rộng. Bạn sẽ thấy bên trên vết thương đóng vảy dày, cứng nhưng đôi khi ấn lại thấy mềm, lúng búng, có thể có mủ thoát ra ở vị trí có kẽ hở.
Rắc bột kháng sinh lên bề mặt vết thương còn làm cản trở sự huy động các yếu tố bảo vệ tới vết thương như bạch cầu, kháng thể,… đồng thời làm chậm quá trình lên da non và lành thương.
Vậy là rắc thuốc lên bề mặt vết thương là lợi bất cập hại. Ta cứ làm bao lâu nay, tưởng tốt hóa ra không mang lại lợi ích gì.
Nếu bạn có bị vết thương trợt da, hãy giữ cho vết thương được sạch sẽ khô thoáng, có thể sát trùng bằng dung dịch iod hoặc nước muối loãng. Điều kiện tốt nhất cho lành thương là để vết thương thoáng, ở nơi sạch sẽ, không cần băng bó. Tuy nhiên, cần đắp gạc, thay băng và rửa sạch vết thương hàng ngày nếu có nhiễm trùng, chảy dịch, hay cần phải di chuyển, làm việc tại môi trường không đảm bảo vệ sinh và có thể gây cọ xát đến vết thương.
Với những vết thương sâu, rộng bạn nên đến các cơ sở y tế để được điều trị phù hợp.
Tân Hạ tổng hợp
Xem thêm:
- Mật ong chữa lành vết thương tốt hơn nhiều loại kháng sinh!
- Vết bớt là vết thương từ kiếp trước? Kết luận kinh ngạc của chuyên gia nghiên cứu luân hồi
- 19 bức ảnh chấn động thế giới 100 năm qua
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.