Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã cấp cứu kịp thời cho bệnh nhi 10 tháng tuổi ở Hà Giang nguy kịch do sốc phản vệ.
Trước đó, ngày 21/10, bệnh nhi N. N. A vào viện điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm và được chỉ định dùng thuốc cefotaxim 2 g đường tiêm tĩnh mạch trong 5 ngày.
Đến sáng 25/10, 5 phút sau khi được tiêm cefotaxim 2 g, bé A bỗng quấy khóc, đỏ vùng cổ, mặt, ngực, tím môi, gốc mũi, mạch 150 lần/phút. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị sốc phản vệ và tiêm Adrenalin đợt 1.
5 phút sau khi tiêm, bệnh nhi A nổi vân tím toàn thân, da tím tái, mạch 140 lần/phút, nồng độ oxy trong máu là 96%. Các bác sĩ tiếp tục tiêm Adrenalin đợt 2. Tuy nhiên, tình trạng của bé diễn biến xấu, mạch 230 lần/phút, tím tái toàn thân.
Các bác sĩ tiếp tục tiêm Adrenalin đợt 3, bóp bóng oxy, chuyển bệnh nhi về khoa Hồi sức cấp cứu và đặt nội khí quản thở máy.
Bác sĩ Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trao đổi TTXVN, bệnh nhi quá nhỏ (10 tháng tuổi) đã sử dụng liên tiếp 3 đợt Adrenalin, nhưng tình trạng sốc phản vệ không thuyên giảm, nên các bác sĩ quyết định truyền Adrenalin qua đường tĩnh mạch liên tục.
Sau 3 giờ được cấp cứu tích cực, bé A đã tiến triển tốt và bỏ thở máy, chuyển thở oxy kính. 12 tiếng sau, bé không phải thở oxy, ăn tốt, tình trạng sức khỏe ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Đặng Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khuyến cáo, sốc phản vệ rất nguy hiểm, ai cũng có có nguy cơ mắc phải. Vì thế, mọi người không nên tự ý sử dụng các kỹ thuật tiêm, truyền tại nhà, tránh các biến chứng nguy hiểm tính mạng.
(Tổng hợp)