Có người bị nói nhịu thường xuyên, nhưng nhiều trường hợp vốn bình thường ăn nói lưu loát mà đột nhiên lại trở nên lúng búng mặc dù biết rõ mình muốn nói gì. Nguyên do là từ đâu?
Nếu tưởng vì cơ tạng hay di truyền thì sai. Khả năng đối đáp lưu loát hay nói lắp là do vận tốc của phản xạ. Hùng biện chẳng qua là do dẫn truyền thần kinh suôn sẻ cộng thêm khả năng huy động tri thức. Ngược lại, nếu dẫn truyền “kẹt xe” hay chạy “lạc đường” thì người hỏi phải đợi câu trả lời đến phát chán. Chuyện gì cũng có nguyên nhân. Kiến thức có thể có, ký ức có thể còn nhưng “tác giả” muốn nói một đằng, ngôn ngữ lại đi một nẻo nếu mất quân bằng tỷ lệ một số chất khoáng cần thiết để ổn định dẫn truyền thần kinh .
Chất khoáng không bao giờ vận hành đơn phương, khi đã thiếu thì ít khi thiếu chỉ một chất thôi. Không chỉ vậy, trong quá trình hấp thụ các khoáng chất còn có tính cạnh tranh, có thể vì chất này nhiều quá dẫn đến hấp thu không đủ chất khoáng khác, chẳng hạn với sắt và canxi. Hai chất này khi vào đường tiêu hóa bao giờ cũng chen lấn giành xe vào máu nên dù ăn đủ vẫn dễ mất canxi nếu dư chất sắt, ví như nhiều người ăn chay trường không dùng thực phẩm có canxi, ở người được điều trị bằng thuốc sắt liều cao nhưng không được bổ sung canxi, ở người đã bị loãng xương nhưng lại dùng thuốc sắt liên tục. Hậu quả là gia chủ vì thiếu canxi rất dễ lo lắng thái quá, và còn bị phân vân quá lâu khi cần quyết đoán vì tuy có nhập canxi nhưng vẫn không thể đủ cho hoạt động của hệ thân kinh!
“Diễn giả” sẽ càng dễ ấp úng nếu thiếu cả phốt pho (P) vì phốt pho có tác dụng hỗ trợ hấp thu canxi. Tình trạng nói lắp vì thế rất dễ được thấy ở người đã đuối sức sau mấy giờ làm việc lại phải giải trình chuyện gì đó trước ban lãnh đạo!
Chuyên gia về bệnh lý do stress ở Đại học Munich (CHLB Đức) đã tiến hành một thử nghiệm rất lý thú. Đó là cho người sắp vào phỏng vấn xin việc ăn một nhúm… nho khô. Người tiền sử xem nho khô như quà tặng của thượng đế nên đã dùng món này làm vật trang sức, thậm chí khắc cả hình trên vách đá hang động.
Theo truyền thuyết ở Trung Đông, người Do Thái từ cả ngàn năm trước công nguyên đã dùng nho khô để nộp thuế. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người được ăn nho khô điềm tĩnh hơn rõ ràng nhóm đối chứng không ăn nho khô dù đã ăn no.
Không có gì khó hiểu về tác dụng cải thiện khả năng đối đáp của nho khô vì món này rất ít chất béo nhưng lại sinh nhiều năng lượng. Thêm vào đó, theo kết quả nghiên cứu ở Mỹ, những người ăn nho khô thường xuyên có huyết áp ổn định hơn những người khác.
Trong tình huống căng thẳng, người có ăn nho khô chẳng khác nào có thêm chiếc phao cứu sinh để đỡ hồi hộp khi nhận câu hỏi và không hụt hơi khi trả lời.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Theo NLD.com.vn
Xem thêm: