Sự tuần hoàn bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông là quy luật của tự nhiên – Đạo, mỗi mùa quy luật sinh trưởng khác nhau vì vậy phép dưỡng sinh cũng là không giống nhau. Mùa Xuân dương khí bắt đầu trưởng vì vậy giấc ngủ, ăn uống, tình chí có phần thay đổi nhiều.
Cổ nhân xem con người là một vũ trụ thu nhỏ. Hoạt động sống của con người tuân theo quy luật khách quan của giới tự nhiên. Nếu con người nắm vững được quy luật đó, chủ động thực hiện các biện pháp dưỡng sinh cho phù hợp thì sẽ tránh được bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Thiên Tứ khí điều thần luận của sách Tố Vấn viết: “Ôi! Âm Dương vận hành trong 4 mùa là cái căn (rễ), cái bản (gốc) của vạn vật. Cho nên, bậc thánh nhân đến mùa xuân và mùa hạ thì dưỡng Dương, đến mùa thu và mùa đông thì dưỡng Âm, đó là để theo đúng với cái căn và cũng để cùng với vạn vật chìm nổi trong vòng sinh trưởng”.
Nguyên tắc “thuận thời nhiếp dưỡng” là theo quy luật âm dương tiêu trưởng của bốn mùa mà tiến hành dưỡng sinh, giúp hoạt động sinh lý của cơ thể đồng bộ với chu kỳ biến đổi của tự nhiên, duy trì điều hòa thống nhất giữa cơ thể với hoàn cảnh bên ngoài.
Theo thời nhiếp dưỡng là phương pháp dưỡng sinh thuận theo khí hậu bốn mùa, quy luật biến đổi của âm dương, phối hợp điều hòa tinh thần, nghỉ ngơi, ăn uống, vận động.
Trong Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, chương Di dưỡng, thầy y Lê Hữu Trác đã luận bàn đến phương pháp dưỡng sinh trong mùa xuân. Như ông đã viết: “Ba tháng mùa xuân gọi là phát trần (vào mùa xuân dương khí bốc lên, khí ẩn náu ở trong bắt đầu phát triển, nảy nở , bảy tỏ dáng vẻ của chúng). Trời đất đều ở giai đoạn phát sinh, muôn vật tươi tốt”. Vậy để ứng với khí mùa xuân này thì người thời xưa đã đúc kết ra rất nhiều vấn đề dưỡng sinh liên quan đến vận động, ăn uống, tình chí của con người.
Vận động, tập luyện
Ngủ dậy sớm, đi dạo ở sân, xõa tóc thả lỏng mình khiến cho chí nảy sinh. Mùa xuân, khí ấm được sinh ra, khí lạnh dần tan đi, ngủ dậy sớm, đi lại ở sân. Mùa xuân ứng với Mộc, cái khí phong mộc của phương Đông dẫn thẳng lên đầu óc, nên phải xõa tóc cho nó sơ tán điều đạt.
Khí mùa xuân là thứ cần nhất cho muôn vật phát triển nảy nở, để cho nảy nở mà đừng giết đi, tạo điều kiện cho nảy nở mà đừng ngăn chặn, giúp thêm cho điều kiện nảy nở mà đừng tiêu hao đi, đó là cách làm ứng hợp với khí mùa xuân, cũng là phép dưỡng sinh.
Các phương pháp tập luyện dưỡng sinh theo y học cổ truyền rất phong phú, ví dụ: Thái cực quyền, Dịch cân kinh, các loại khí công, võ thuật hay đơn giản chỉ là tản bộ. Có loại lấy động làm chính, vận động toàn thân nhằm giúp cơ khớp được linh hoạt, cân mạch thông suốt, khí huyết lưu thông, điều hòa chức năng tạng phủ, từ đó cơ thể được khỏe mạnh.
Có loại lấy tĩnh làm chính, chủ động luyện “ý, khí, hình”, nhấn mạnh rèn luyện tinh thần, từ đó phát huy tác dụng chống lão hóa. Mùa xuân nếu có thể tập các bài dưỡng sinh nhẹ nhàng sau khi thức giấc cũng làm cho tinh thần sảng khoái trước khi bắt đầu ngày mới.
Thêm nữa, mùa xuân dương khí mới sinh, khí lạnh (hàn) vẫn còn, phong (gió) xuất hiện còn nhiều, hai thứ khí này kết hợp dễ gây cảm mạo phong hàn. Do vậy tập dưỡng sinh và giữ ấm cơ thể, không để tấu lý sơ hở thì tà khí không có cơ hội xâm nhập.
Nhân đây chúng ta cùng bàn một chút về khí công. Khí công là một phương pháp dưỡng sinh tương đối phát triển trong xã hội ngày nay – theo hướng tự rèn luyện là chính. Theo thời gian, khí công được phổ cập và lưu truyền với nhiều trường phái khác nhau. Tuy nhiên có thể chia làm hai loại: do người khác đạo dẫn và tự mình đạo dẫn.
Do người khác đạo dẫn là nhờ một loại công năng đặc dị của người khác điều trị bệnh cho mình. Tự mình đạo dẫn là tự bản thân, thông qua tập luyện của mà cải biến được sức khỏe. Thực tiễn đã chứng minh, duy trì tập luyện khí công đúng phương pháp sẽ giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, chống lão hóa, có tác dụng chữa khỏi một số bệnh nhất định.
Tuy phép dưỡng sinh bằng khí công vẫn còn ẩn dật sau lớp sương mù diệu kỳ, nhưng những hiệu quả nó mang lại, cùng những nghiên cứu mới đây mà khoa học hiện đại chứng minh đã khẳng định đây là một môn khoa học quý giá của phương Đông.
Ăn uống
Theo y học cổ truyền, thức ăn được chia làm năm vị quy vào năm tạng: Vị chua vào Can, vị cay vào Phế, vị ngọt vào Tỳ, vị đắng vào Tâm, vị mặn vào Thận. Mùa xuân, cây cối tươi tốt, phát triển, Can mộc vượng sẽ khắc lại Tỳ thổ. Do vậy, mùa này nên tránh đồ ăn có vị chua (chua vào tạng can, làm Can mộc vượng hơn khắc Tỳ thổ, làm cho công năng vận hóa đồ ăn của Tỳ sẽ giảm sút), ăn tăng vị cay ngọt hơi ôn, cay phát tán giúp dương khí thăng phát, ôn để bảo vệ dương, ngọt bổ vào Tỳ (do đó làm cho ngũ tạng cân bằng, âm dương điều hòa).
Tránh ăn thức ăn sống lạnh dễ tổn thương dương khí Tỳ Vị. Có mấy lời khuyên về việc dưỡng sinh bằng ăn uống như vậy. Tất nhiên cũng phải ăn uống đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh, và đúng giờ. Cổ nhân đã khuyên: “Thức ăn dù ngon cũng không nên quá nghiện, nghiện sẽ gây tổn thương thành bệnh. Vị (hương vị) dù ghét cũng không thể không ăn, không ăn thì khí tạng sẽ thiếu”.
Tình chí
Mùa xuân, Can mộc đang vượng thịnh, nếu cáu giận quá thì khắc hại đến can. Do vậy phải giữ cho tinh thần thư thái. Sách Lão lão hằng ngôn đã chỉ rõ: “ Tĩnh dưỡng là việc đầu tiên của dưỡng sinh”.
“Tĩnh” ở đây là chỉ tinh thần yên tĩnh thư thái, không màng đến danh lợi, bỏ qua những ham muốn vật chất, xem nhẹ thanh sắc. Nếu có thể chỉ cần đáp ứng nhu cầu ăn, ở, mặc, để làm việc; tâm chí thoải mái, càng làm tăng tình yêu với cuộc sống và duy trì thái độ lạc quan yêu đời. Hải Thượng Lãn Ông có viết: “Người thông minh sống theo thuyết vô vi, vui vẻ điềm đạm thoải mái, thỏa chí giữ lòng mình trong hư vô, nên tuổi sẽ không cùng, lâu bền với trời đất. Đó là phép giữ gìn thân thể của người thông minh”.
Con người trong vũ trụ này theo lẽ âm dương thì sống, trái lại thì chết. Cổ nhân có câu: “Thánh nhân chỉ ngừa bệnh chứ không chữa bệnh” thật hết sức có lý. Theo phép dưỡng sinh thì nên ăn uống vệ sinh, đủ chất dinh dưỡng, năng vận động tập luyện cho khỏe mạnh. Phải tùy thời mà dùng phép dưỡng sinh cho hợp với đạo của trời đất.
Bàn về dưỡng sinh mùa xuân có đôi điều như vậy, mong các độc giả có thể tìm thấy lý lẽ trong bài viết để ứng dụng cho mình khi trời đất sắp vào xuân.
Yến Dương