Vải là loại trái cây phổ biến trong mùa hè. Tuy nhiên, loại quả này lại có tính nóng, dễ gây nguy hiểm cho cơ thể nếu ăn không đúng cách.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam trao đổi Vietnamnet, quả vải có nhiều tác dụng như tăng cường sức khỏe tim mạch, chữa táo bón, chống cúm…

Tuy nhiên, loại quả này có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người, ảnh hưởng đến cân bằng hoóc-môn trong cơ thể. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, ăn vải sai cách có thể gây chảy máu trong, sốt và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

1. Không ăn vải khi đói

Vải chứa nhiều đường, khi ăn lúc đói sẽ kích thích lớp niêm mạc dạ dày, dễ gây ra đau dạ dày, “say vải”. Lượng đường tăng đột ngột lúc đói cũng dễ gây ra hiện tượng hạ đường huyết nguy hiểm cho cơ thể.

Tiến sĩ Sơn cho biết, thời điểm tốt nhất để ăn vải là sau bữa cơm bởi lúc này cơ thể đã tích lũy đủ lượng nước muối qua thức ăn nên không sợ say, nóng.

Nếu gặp hiện tượng say vải, mọi người nên uống một cốc nước đường.

2. Không ăn quá nhiều vải một lúc

Vải không có tính độc, nhưng ăn quá nhiều có thể gây nguy hại cho cơ thể. Vải giàu đường glucoza, vì vậy ăn với số lượng nhiều dễ khiến cho lượng đường trong máu tăng đột ngột làm cho gan không chuyển hóa kịp. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng cường tiết ra insulline, một hoóc-môn của tuyến tụy tiết ra làm cho nồng độ đường trong máu hạ xuống hay đường huyết thấp.

Triệu chứng dễ nhận thấy khi đường huyết thấp như tim đập nhanh, run tay chân, lo lắng, ra mồ hôi nhiều, đói…

3. Không ăn vải khi mắc tiểu đường

Vải là loại quả có chỉ số GI (chỉ số đường huyết của thực phẩm cao), tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng đường trong máu. Nếu nồng độ đường trong máu cao thì sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển hóa glucose. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên những bệnh nhân tiểu đường không nên ăn vải.

4. Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ không nên ăn nhiều vải

Phụ nữ khi mang thai thường xuyên ăn vải sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết, nhiễm trùng. Lượng nhiệt trong cơ thể tăng động ngột có thể khiến cho thai dễ bị chết lưu và gặp một số biến chứng không mong muốn.

Ngoài ra ăn nhiều vải trong thời kỳ mang thai dễ mắc tiểu đường thai nghén. Tiểu đường thai nghén nếu không phát hiện kịp thời dễ gây nguy hiểm cho con.

Đối với trẻ nhỏ ăn nhiều vải sẽ gây rối loạn chuyển hóa đường, nóng trong, dễ rôm sảy, mẩn ngứa…

Quy tắc "5 không" khi ăn vải để cả nhà cùng khỏe
Quy tắc "5 không" khi ăn vải để cả nhà cùng khỏe

5. Người nóng trong không nên ăn vải

Vải có tính đại nhiệt, vì vậy những người có tiền sử nóng trong hay nhiệt miệng nên hạn chế ăn vải. Ăn vải sẽ làm cho nhiệt miệng thêm nặng, hơn nữa còn gây ra mụn nhọt, chảy máu mũi…

Lưu ý: Các chuyên gia khuyến cáo, vải có khả năng nhiễm nấm độc candida tropicalis nên khi ăn, tuyệt đối không sử dụng những quả dập nát, ủng thối. Trước khi ăn, người dân nên ngâm qua nước muối để tránh ngộ độc.

Lan Phương