Vải vào mùa, ai cũng thèm thuồng nhưng vẫn e dè vì ăn nhiều sẽ sinh nóng trong, say vải, sinh bệnh… Quan niệm ‘nóng, nhiệt’ là từ Đông y, và cũng chính do các thầy thuốc Đông y sẽ hóa giải nó.
Kinh nghiệm dân gian thấy rằng ‘vải nóng’, nếu ăn nhiều sẽ sinh ra các bệnh viêm nhiệt như trẻ em ngứa, nhiều rôm sảy, mụn nhọt, trằn trọc khó ngủ, táo.
Người dân Trung Quốc có câu ví “Một quả vải bằng 3 bó đuốc”. Còn giới y dược Đông phương nói, vải gây “bốc hỏa”, có thể dẫn đến “chứng bệnh lệ chi” (say vải) với các chứng hồi hộp, choáng váng, nhức đầu… thường xảy ra ở những người khỏe mạnh ăn quá nhiều vải một lúc. Có trường hợp co giật.
Sách “Bản thảo tụng tân” đã viết: Ăn vải quá nhiều sẽ bị phát sốt, phiền khát… sưng chân răng, chảy máu mũi… Người tạng nhiệt có bệnh nhiệt không nên ăn vải.
Do đó, rất nhiều người muốn ăn vải, thắc mắc nên ăn thế nào cho đỡ bị nhiệt miệng, nóng trong.
Ăn vải như thế nào?
Theo các thầy thuốc Đông y, nếu nhà có cây vải thì nên ăn vào lúc sáng sớm, khi sương sớm còn đọng lại trên cành vải, ăn vải lúc này thì tính hỏa được giảm triệt để. Lúc nào hỏa trong ngày chưa vượng, ăn vải là tốt nhất và cũng là ngon nhất. Nếu chọn được những quả hướng về phía Đông ăn lại càng tốt.
Nếu là ăn vải đi mua về, bạn có thể làm theo cách sau:
Lấy vải, bóc lớp vỏ ngoài nhưng giữ lại lớp màng trắng bên trong. Tiếp đó ngâm vải trong dung dịch nước muối khoảng 1 tiếng. Vải đã ngâm có thể ăn luôn hoặc trữ trong tủ mát để ăn dần. Nên ăn cả lớp vỏ trắng, như vậy tính hỏa sẽ bị hóa giải đi rất nhiều.
Nên ăn bao nhiêu?
Theo một số tài liệu, “Thường xuyên ăn vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu; dưỡng da làm đẹp nhan sắc, chữa được nhiều bệnh. Cùi vải phơi khô là thuốc bổ nguyên khí, rất có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi và phụ nữ”. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều một lúc để tránh bị quá nóng, không ăn quá 10 quả.
Với trẻ nhỏ, người bệnh tiểu đường hoặc người thường xuyên bị nhiệt thì lại càng phải lưu ý ăn hạn chế hơn nữa.
Minh Thành
Xem thêm: