Tuý quyền là môn võ thuật thời cổ đại mà người đánh trông như kẻ say rượu, có ngã nhưng không hề ‘chân nam đá chân chiêu’ mà vô cùng mềm mại khéo léo. Yoga cũng được lưu truyền từ rất lâu nhưng ‘yoga bia’ là điều hoàn toàn mới lạ và lợi ít hại nhiều. Bên bia bên rượu, hỏi ai ‘say’ trước ai?!
Tuý quyền trọng tâm ở chữ ‘say’, lấy chữ say để lừa người
Túy quyền hay Túy tửu quyền tức “quyền say rượu”. Khi đi quyền chiêu thế bước như người say rượu. Đặc điểm là hình (thức) say, ý không say, bước say, tâm không say. Món võ này là những kỹ thuật di chuyển, tiến thoái bộ pháp có tính điêu luyện, đạt mức chính xác tuyệt vời. Về cơ bản, tưởng chừng những bước di chuyển là loạng choạng, mất thăng bằng, nhưng lại vô cùng diệu kỳ, hóa giải được sự tấn công của địch thủ.
Kỹ thuật của đòn tấn công cũng khác nhiều so với chân quyền và nhu quyền. Lực phát ra trong khi xuất đòn cũng mang tính “say”. Những cái vờ tay của người say nhưng lại tiềm ẩn nhiều phần nội lực, địch thủ không ngờ. Tổng quan chung nhất trong lối đánh của túy quyền thường tạo cho địch thủ bị vô phương hướng, luống cuống.
Túy quyền là loại quyền pháp địa thuật, dựa vào đất và địa hình mà đánh, với hình dạnh như say mà sừng sững như một ngọn cờ đứng riêng biệt trước gió. Hạt nhân là một chữ “say”, trông như say mà thật ra giữ thế, lấy giả say để lừa người, dùng sức người đánh trả người, lấy say để ra đòn.
Yoga bia, một trào lưu mới
Nói đến yoga bia, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến việc uống bia giải khát sau một buổi tập vất vả. Hay việc tập các tư thế yoga ở một nhà máy bia rộng rãi và thoáng mát. Hoặc giữ chai bia thăng bằng trên đầu khi bạn đang ngồi thiền.
Bia yoga bắt nguồn từ Đức hồi tháng 4 năm ngoái (Ảnh: mashable.com). Yoga bia là sự kết hợp giữa việc thực hiện các động tác yoga kết hợp uống bia, theo đúng nghĩa đen. Cụ thể, người tập sẽ thực hành một số tư thế mà giữ chai bia ở trên cao, hay trên mặt đất, trước khi chuyển thế và uống từng ngụm bia giữa giờ học. Mỗi buổi tập chỉ giới hạn từ 1-2 chai.
Ý tưởng này bắt đầu xuất hiện từ tháng 4 năm ngoái ở một phòng tập yoga ở Berlin, Đức, do Jhula và Emily sáng tạo. Người tập yoga bia được khuyến cáo chỉ nên uống 1-2 chai bia, hoặc thay bia bằng nước lọc
Còn Jhula cho rằng: “tập thiền và định tâm vào chai bia, lấy triết lý của yoga, kết hợp nó với thú vui uống bia”.
Chỉ sau hơn một năm, yoga bia đã lan sang nhiều thành phố khác như Bangkok (Thái Lan), Melbourne, Sydney (Úc), Auckland (New Zealand) và Singapore. Ở Mỹ, nhiều người tin nó sẽ trở thành xu hướng mới của yoga trong năm 2017.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khỏe, sự pha trộn của bia rượu và tập thể dục không phải là ý tưởng nên cổ vũ. Tiến sĩ Ingo Froboese tại Trường thể thao Đức ở Cologne cho rằng, rượu bia làm suy giảm nhận thức, cản trở kiểm soát cơ bắp, làm suy yếu sự cân bằng và hạn chế sức chịu đựng.
Ông Froboese nói thêm bia có thể hạn chế khả năng phục hồi của cơ thể, và rằng nước mới là đồ uống lành mạnh nhất.
Yoga khởi nguyên là một họ các phương pháp luyện tâm và luyện thân cổ xưa bắt nguồn từ Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thế giới tâm linh của Ấn Độ được phổ biến chính qua khái niệm Yoga này. Các động tác yoga nguyên thuỷ được hiểu như ngôn ngữ thần truyền, vì thế luyện yoga chính là một phương pháp tu luyện.
Tuý quyền là võ thuật, còn yoga là tu dưỡng thân và tâm, chủ yếu qua thiền định mà đạt tới trạng thái thanh tịnh an hoà. Sử dụng bia – vốn là chất kích thích, ở mức độ nhiều còn có thể gây ra các rối loạn thần kinh. Các động tác tập cùng với uống bia có thể giúp người ta thấy mới lạ, vui vẻ thoải mái nhưng gọi là yoga thì không phù hợp, lại càng khó mà kết hợp thiền định…
Xem thêm:
- 8 bài tập Yoga đơn giản giúp bạn hết đau lưng
- Nghiên cứu: Thiền định có thể làm chậm lão hóa não, phòng chống bệnh mất trí nhớh
- 10 lý do bạn nên thiền mỗi ngày
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.