Trong dân gian, dây thìa canh là một vị thuốc quý hỗ trợ điều trị và phòng các biến chứng của tiểu đường rất tốt. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học hiện đại đã làm sáng tỏ thêm cơ chế tác dụng này.
Dây thìa canh tên khoa học là Gymnema sylvestre, là loại cây dây leo, thân gỗ có nguồn gốc từ Ấn Độ, Châu Phi và Australia. Cây này đã được đề cập đến trong văn bản cổ Ayurveda của Ấn Độ là “Madhunashini”, trong tiếng Phạn, có nghĩa đen là “kẻ hủy diệt đường” (còn gọi là ” Gudmar “). Dây thìa canh được dùng tại Ấn Độ từ 2000 năm trước để trị bệnh “nước tiểu ngọt như mật”. Dân gian gọi là dây thìa canh là vì khi chín quả của cây này rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa.
Tại Việt Nam, PGS.TS Trần Văn Ơn – Trưởng bộ môn dược, Đại học Dược Hà Nội là người đầu tiên tìm ra tác dụng trên bệnh nhân tiểu đường của dây thìa canh vào năm 2006. Ông đã có công trình nghiên cứu cấp bộ chứng minh công dụng hạ và ổn định đường huyết, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường của dây thìa canh.
Tác dụng điều trị
Trước đây, các nhà nghiên cứu tìm thấy trong dây thìa canh có chứa hoạt chất GS4 gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic rất có ích trong việc giảm đường huyết cho người tiểu đường thông qua 3 cơ chế:
- Kích thích sản sinh tế bào beta của tuyến tụy, nhờ đó tăng sản sinh và hoạt lực của insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên.
- Ức chế hấp thu đường ở ruột do có cấu trúc phân tử gần giống với glucose, khi vào đến ruột sẽ cạnh tranh với glucose, lấp đầy thụ thể ruột và ngăn không cho hấp thu đường từ ruột vào máu.
- Ức chế gan tân tạo glucose vào máu, đồng thời kích thích các enzyme chịu trách nhiệm tiêu thụ, sử dụng đường tại các mô cơ. Nhờ đó hoạt chất này đem lại hiệu quả giảm đường huyết.
Dây thìa canh còn được ghi nhận là làm giảm nồng độ mỡ xấu trong cơ thể LDL-cholesterol, triglicerid trong máu, tăng HDL-cholesterol, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, hiệu quả giảm huyết áp ở bệnh nhân cao huyết áp.
Ở Ấn Độ, lá cây dùng làm thuốc dễ tiêu hoá, còn dùng tán thành bột để chống độc, người ta dùng đắp lên vết cắn và dùng sắc uống trong để trị rắn độc cắn.
Tại Trung Quốc, người ta dùng cả cây bỏ rễ và quả làm thuốc trị phong thấp tê bại, viêm mạch máu, rắn độc cắn, trĩ và các vết thương, còn dùng diệt chấy rận.
Nghiên cứu của Việt Nam phát hiện 9 hoạt chất mới trong dây thìa canh
Đầu tháng 3-2018, tạp chí khoa học quốc tế Phytochemistry (tạp chí chính thức của Hiệp hội Thực vật Hóa học Châu Âu và Hiệp hội Thực vật Hóa học Bắc Mỹ) đã công bố nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của dây thìa canh “made in Việt Nam”. Lý do là mặc dù dây thìa canh đã được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ từ xa xưa để điều trị bệnh nhân tiểu đường, nhưng các nhà khoa học khẳng định rằng, những hoạt chất mới có tác dụng điều trị chỉ được tìm thấy trong dây thìa canh Việt Nam. Điều này cho thấy vùng địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau sẽ tác động đến sự hình thành các hoạt chất trong cùng một loại cây.
Công trình nghiên cứu là sự hợp tác của nhóm các nhà khoa học thuộc khoa Dược, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc và công ty cổ phần Nam Dược. Kết quả nghiên cứu gây ấn tượng khi phân lập được 9 hoạt chất saponin có tên là gymnemosides ND1 – ND9 lần đầu tiên được tìm thấy từ thực vật, có tác dụng giúp hạ đường huyết. Đồng thời tìm ra thời điểm những hoạt chất này có tích lũy hàm lượng cao nhất để thu hái là vào tháng 5 và tháng 10. Đây được coi là một phát hiện mang tính đột phá, giúp xác định được hoạt chất thực sự có tác dụng hạ đường huyết từ dây thìa canh để phục vụ cho việc sàng lọc thuốc điều trị đái tháo đường trong tương lai.
Hiện nay, dây thìa canh cũng đã được đưa vào bào chế thành các dạng viên nang, bột hay phơi khô hãm uống rất tiện lợi. Tuy rằng, không tìm thấy độc tính trong cây, an toàn cho người dùng. Nhưng trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị của bạn để đưa ra được phương án tối ưu.
Yến Dương