Đa số mọi người thường nhầm lẫn giữa cơn hạ huyết áp và hạ đường huyết vì chúng có những triệu chứng giống hệt nhau như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi, run chân tay… Điều này dễ dẫn tới xử trí sai cách và có thể gây nguy hiểm.

Huyết áp thấp là tình trạng nguy hiểm xảy ra khi huyết áp giảm xuống 90/70mmHg. Nó cho thấy các cơ quan thiết yếu trong cơ thể bạn không nhận đủ máu (oxy và các chất dinh dưỡng) có thể khiến cơ thể bị sốc đột ngột. Các triệu chứng của huyết áp thấp gồm choáng váng, chóng mặt và ngất. 

Những người huyết áp thấp thông thường không gặp nguy hiểm nhưng lại gây cản trở lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy khi có các triệu chứng tụt huyết áp, bạn cần nhanh chóng điều chỉnh để nó trở lại bình thường.

Xử trí khi hạ huyết áp

Ngậm muối

Mặc dù đường là một trong những cách giúp huyết áp trở lại nhưng đây không phải là lựa chọn hàng đầu, đặc biệt là với những người tiểu đường. Cách đơn giản nhất và nhanh nhất giúp huyết áp của bạn trở lại bình thường là sử dụng dung dịch muối.

Ảnh: Soha.vn

Khi hạ huyết áp sẽ gây ra sự mất cân bằng điện giải trong cơ thể, khiến nước thoát ra ngoài lòng mạch gây giảm lượng máu lên não. Sử dụng một cốc nước muối có thể giúp sự cân bằng điện giải trong được phục hồi và chống mất nước do huyết áp hạ giúp cho huyết áp tăng trở lại nhanh chóng. Ngoài việc sử dụng dung dịch nước muối bạn cũng có thể ngậm muối trong miệng cho tới khi huyết áp ổn định trở lại.

Đối với người không bị tiểu đường, bạn cũng có thể thêm một chút đường vào dung dịch muối để dễ uống hơn. Đối với những người bị tiểu đường thi không nên dùng đường.

Uống dung dịch điện giải

Dung dịch điện giải có bản chất là muối khoáng, thường được các bác sỹ kê đơn cho bệnh nhân bị huyết áp thấp. Nhưng nếu bạn không thích dùng những gói bù điện giải tiện dụng này thì có thể dử dụng dung dịch đường muối tự làm. Tuy nhiên cần nhớ là người bệnh tiểu đường không nên thêm đường vào dung dịch muối.

Phòng ngừa huyết áp thấp

Thường xuyên bổ sung đủ nước: Đối với những người bị huyết áp thấp cần uống nhiều nước vì nước giúp ngăn ngừa sự mất nước và làm tăng lượng máu. Chú ý hạn chế những loại đồ uống có chứa chất cồn, vì chúng khiến cơ thể nhanh mất nước và làm giảm huyết áp.

Ảnh: Facetofeet.com

Chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy cung cấp những dưỡng chất mà cơ thể cần để duy trì sự khỏe mạnh bằng cách tập trung vào nhiều loại thức ăn khác nhau như gạo thô, trái cây, rau xanh, thịt gà nạc và cá.

Ăn những bữa nhỏ, ít carbohydrate: Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, bạn nên chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cần cố gắng hạn chế những thực phẩm giàu carbonhydrate (tinh bột) như khoai tây, gạo, cháo và bánh mì…

Ăn củ cải đường: Nước ép từ củ cải đường tươi là một trong những phương pháp điều trị tại nhà hiệu quả nhất đối với chứng hạ huyết áp. Để trị bệnh, bạn có thể uống loại nước ép này hai lần mỗi ngày. Sau 1 tuần, các triệu chứng sẽ được cải thiện đáng kể.

Ảnh: dalatxanh.vn

Ăn mặn hơn người bình thường: Những người được chẩn đoán mắc chứng huyết áp thấp đều được khuyến khích tăng cường lượng muối trong chế độ ăn uống của họ. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều muối cũng sẽ không tốt cho tim, do đó, chỉ nên giới hạn ở một mức độ nhất định, không dùng quá mức.

Di chuyển chậm khi muốn thay đổi vị trí cơ thể: Để hạn chế nguy cơ bị hoa mắt, chóng mặt và đau đầu nhẹ xuất hiện khi huyết áp bị tụt trong lúc đứng dậy, bạn cần thả lỏng người để tạo sự thoải mái cho cơ thể rồi đứng thẳng thật nhẹ nhàng.

Trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, hãy thở sâu trong vòng vài phút, sau đó, ngồi dậy thật chậm rồi mới đứng thẳng. Vị trí đầu giường ngủ nên kê cao hơn nhằm giảm bớt những ảnh hưởng của trọng lực.

Nếu triệu chứng hạ huyết áp bắt đầu xuất hiện sau khi đứng thẳng, bạn nên đứng thẳng người và hít thở đều hoặc đặt một chân lên cao (tựa vào tường hay gác trên ghế), nghiêng người về phía trước hết sức. Động tác này có tác dụng kích thích máu chảy từ chân ngược về tim.

Ngoài ra bạn nên thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp để có biện pháp phòng ngừa và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nếu không có nhiều thời gian thăm khám tại các bệnh viện thì hãy sắm cho mình một máy đo huyết áp tại nhà để tiện sử dụng.

Minh Nguyên