Trong một nghiên cứu, tiến sĩ Braden Kuo tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã sử dụng camera siêu nhỏ cho vào bên trong dạ dày để quan sát quá trình tiêu hóa của mỳ ăn liền và mỳ tươi khác nhau như thế nào.
Kết quả cho thấy những sợi mỳ ăn liền sau khi được ăn vào cơ thể 2 giờ vẫn “trơ ra” không tiêu, trong khi đó mỳ tươi thì hầu như đã bị phân hủy hoàn toàn.
Quá trình tiêu hóa của mỳ ăn liền (bên trái) và mỳ tươi (bên phải) trong dạ dày sau 20 phút. (Ảnh: qua Huffingtonpost)
Sau 2 giờ, mỳ tôm vẫn… trơ ra.
Sau 2h, camera cho thấy sợi mỳ còn nguyên vẹn trong dạ dày – Ảnh: Huffingtonpost
Trong mỳ tôm có gì lạ khiến nó khó tiêu như vậy?
Mỳ tôm phải trải qua nhiều công đoạn gia công từ bột mỳ: trộn, nhào, cán lát, cắt sợi, hấp hơi rồi “lội qua bể chiên” có chứa dầu. Xem quy trình cũng không thấy có gì đặc biệt, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, quá trình chiên qua dầu ở nhiệt độ cao (145-160 độ C) làm cho protein trong mỳ biến chất, các vitamin bị phá hủy, mỳ trở nên khó tiêu hơn.
Để chiên nhiệt độ cao, người ta thường dùng shortening, là một loại chất béo đã được hydrogen hóa từ dầu thực vật hoặc mỡ. Trong quá trình hydrogen hóa một số nối đôi hoặc nối ba đã được no hóa bằng hydro. Những axit béo đói (có nối đôi trong mạch carbon) đã trở thành những axit béo no nên ít bị ôi khét hay nói cách khác là ít bị oxy hóa bởi oxy không khí, thuận tiện cho việc dùng dầu chiên nhiều lần. Vì thế, người ta dùng shortening chiên rán một số sản phẩm như mỳ ăn liền, bánh rán… để bảo quản lâu. Loại dầu shortening này không tốt cho sức khỏe, khó tiêu, dễ gây bệnh mỡ máu… Nếu dùng dầu chiên nhiều lần, các tạp chất bị cháy có thể bám vào mỳ, gây nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, để cho mỳ có màu vàng hấp dẫn, nhiều nhà sản xuất bổ sung chất tạo màu, nếu là tartrazine thì đây là một chất rất bất lợi cho sức khỏe. Muốn cho mì dai và không bở khi ngâm nước nóng, các nhà sản xuất đều cần đến các loại phụ gia khác nhau.
Thời hạn sử dụng mỳ tôm thường lâu, đó là nhờ các chất bảo quản, có thể là chất chống oxy hóa tertiary-butylhydroquinone (TBHQ). Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khống chế mức sử dụng của TBHQ trong dầu và chất béo ở mức 0.02%. Khi dùng một lượng nhỏ chất thì này không gây bệnh nhưng nếu sử dụng nhiều hoặc thường xuyên thì có thể gây tổn thương gan, thần kinh…
Trong mỳ tôm có chứa nhiều muối và mì chính (bột ngọt). Mọi người đều biết ăn nhiều muối sẽ hại thận, tăng huyết áp… Còn mì chính thì là chất có thể gây ngộ độc thần kinh, hại gan, hại mắt… Nếu ăn nhiều mì chính, có thể thấy ngay các triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi và tim đập nhanh.
Danh sách các chất phụ gia dài hay ngắn, nồng độ thế nào còn tùy thuộc vào công thức của mỗi nhà sản xuất. Tuy nhiên gần như tuyệt đại đa số các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên không được lạm dụng mỳ tôm mà ăn liên tục thay bữa, vừa không đảm bảo dinh dưỡng lại dễ sinh bệnh.
Minh Thành
Xem thêm:
- Gây độc tấn công thần kinh; các chuyên gia cảnh báo mì chính nguy hiểm vượt xa tưởng tượng
- Việt Nam là thị trường tiêu thụ mỳ ăn liền lý tưởng Nhật Bản nhắm tới
- Vì sao tập khí công có thể chữa khỏi bệnh?
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.