Ngày nay các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến khích người dân thường xuyên ăn gừng để tăng cường sức đề kháng, giữ gìn sức khỏe. Thực ra cách dùng gừng trị bệnh trong dân gian đã rất phong phú và tinh tế hơn từ thời xa xưa.

Theo Đông y, gừng có vị cay tính ấm, chống viêm, tản phong hàn, tiêu đờm, trị ho, điều hòa nhiệt độ, trừ nôn mửa, giải độc, vừa là thực phẩm vừa là thuốc quý.

1. Cảm mạo, phong hàn, trúng gió

Sách đông dược “Bản thảo hối môn” nổi tiếng chép rằng, người bị mắc 2 chứng bệnh trên, chỉ cần uống canh tía tô gừng là đủ.

Dùng lá tía tô 30g, gừng 9g nấu thành canh rồi uống. Lá tía tô có tác dụng nhanh chóng thoát mồ hôi, giảm cảm, thêm gừng để nhân đôi hiệu quả điều trị, ích khí lợi dạ dày, tống tán mồ hôi ra khỏi cơ thể.

Image result for tía tô
Kết hợp gừng với tía tô sẽ “nhân đôi” hiệu quả (Ảnh: Internet)

Ngậm 1 lát to gừng tươi (4-6g), thỉnh thoảng nhấm cho ra nước cay trong những ngày lạnh giá, trước khi ra đường hoặc trước khi tắm, khi làm việc ở môi trường lạnh giúp bạn phòng được nhiễm lạnh.

Khi thời tiết giao mùa, uống một cốc trà gừng có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ. Nếu uống đều đặn 2 đến 4 tách trà pha gừng tươi sẽ có tác dụng giúp xoang thông suốt, long đờm, hạn chế chất nhờn gây tắc nghẽn đường khí thở. Gừng có tác dụng kháng virút và kháng khuẩn nên có lợi cho đường hô hấp.

2. Ngừng ho, tiêu đờm

Ho có thể được chia thành ho do nóng và ho do lạnh. Ho do cảm lạnh có thể coi là ho do lạnh.

Khi này, gừng sẽ phát huy được tác dụng làm ấm: gừng, đường (lượng bằng 1/2 gừng) đun nước sắc uống từ từ ít một, gừng có tác dụng hoá đờm ôn phế, chỉ khái, trong khi đó đường có tác dụng nhuận phế.

3. Bệnh đường tiêu hóa

Image result for bệnh tiêu hóa

Đối với bệnh đường tiêu hóa, gừng có tác dụng ôn vị, chỉ ẩu (làm ấm dạ dày, ngừng nôn)

Chống nôn: Đây là một trong những công dụng phổ biến nhất của củ gừng. Dược chất của củ gừng có trong những loại thuốc hỗ trợ chống nôn mửa. Một tách trà gừng cũng có tác dụng tương tự. Một số nghiên cứu cho biết bột gừng có tác dụng giảm rõ rệt 90% các triệu chúng của say xe và tác dụng này kéo dài đến 4 tiếng. Nhai gừng sống hoặc dùng trà gừng đều có tác dụng.

Vì có tính ấm, nên theo Đông Y gừng còn được dùng để chữa đau dạ dày do lạnh. Khi bị nhiễm lạnh dẫn đến đau bụng, pha chút gừng tươi ấm để uống có thể giảm nhẹ triệu chứng. Người mắc bệnh dạ dày do lạnh uống nước này thường xuyên ở mức độ phù hợp sẽ có thể ổn định tình trạng bệnh.

Người bị đau bụng đi ngoài, biểu hiện ớn lạnh, toàn cơ thể lạnh ngắt, có thể dùng gừng nướng lên rồi ăn để làm ấm cơ thể, sẽ ngừng tiêu chảy. Khi đau bụng do hàn, bụng đầy trướng, đau bụng không tiêu dùng 1 củ gừng nướng cũng có hiệu quả.

4. Đau bụng kinh

Phụ nữ cơ thể yếu ớt thường dễ bị đau bụng kinh, đặc biệt là vào mùa lạnh hoặc khi cơ thể nhiễm lạnh. Theo Đông y, gừng có thể làm cơ thể ấm lên, giúp giảm chứng đau bụng kinh nhanh hơn. Có thể uống nước gừng tươi thêm chút đường nâu trước khi hành kinh 2-3 ngày.

Tuy nhiên đây chỉ là vị thuốc tốt dành cho người bị lạnh. Còn người có cơ địa nóng thì không nên sử dụng phương pháp này, hãy đến cơ sở y tế khi bạn cảm thấy quá đau.

5. Chữa chân tay lạnh, hôi chân

Hôi chân là do vi khuẩn tích tụ lại lâu khi đi giày kín, dùng 1 chút gừng, giấm và muối đun nóng rồi ngâm chân vào buổi tối, không chỉ giúp bạn xử lý tình trạng hôi chân mà còn có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ, đồng thời giữ cho đôi chân luôn ấm áp.

Tuy nhiên người bị hôi chân quá nặng, đã bị vi khuẩn tấn công khiến cho vùng da bị viêm, lở loét, có vết thương hở thì không áp dụng phương pháp này.

6. Chống lão hóa

Trong cuốn “Đông Pha tạp ký” của Tô Thức thời nhà Tống ở Trung Quốc có ghi chép một câu chuyện như sau: Ở trong chùa Tịnh Từ ở Tiền Đường có một vị hòa thượng, đã trên 80 tuổi rồi mà trông da mặt vẫn bầu bĩnh trắng hồng, mắt vẫn sáng long lanh như người còn trai trẻ. Có người hỏi vì sao cụ lại có được sức khỏe như vậy, thì vị hòa thượng đó nói là “đã ăn gừng sống trên 40 năm nay, cho nên người trẻ khỏe mãi không già”. Vị hòa thượng đó còn nói rằng gừng sống có thể làm mạnh tỳ, ấm thận, hoạt huyết, ích khí.

Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy gừng có tác dụng chống oxy hóa mạnh, do đó có khả năng chống lão hóa.

7. Bệnh tim mạch

Image result for bệnh tim mạch

Cũng nhờ khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ nên gừng còn có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch. Nghiên cứu mới đây cho thấy gừng có tác dụng giảm cholesterol máu, giảm các bệnh về tim mạch và huyết áp.

Rất nhiều người thường hiểu nhầm việc uống trà gừng sẽ gây tăng huyết áp. Nhưng thực tế và khoa học đã chứng minh trà gừng không những làm tăng huyết áp cho người bị tụt huyết áp mà còn có tác dụng phòng ngừa và làm giảm huyết áp cao cho những người cao huyết áp.

Gừng có tác dụng chống đông máu nhờ đó có thể ngăn ngừa chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim (tác dụng này tương tự aspirin, một loại thuốc thường được bác sỹ kê đơn để phòng ngừa cục máu đông). Người bị bệnh tim mạch nên dùng gừng tươi hằng ngày vào sáng, trưa, tối, mỗi lần 1 lát mỏng (khoảng 2 g).

Người nào không nên dùng gừng?

Gừng rất tốt cho sức khỏe và có thể phòng chống được nhiều bệnh, nhưng chúng chỉ phù hợp với người có thể trạng lạnh. Còn đối với người thể trạng nóng, nếu áp dụng phương pháp này sẽ khiến bệnh nặng hơn. Vì vậy, bạn cần xem xét kỹ nguyên nhân mắc bệnh là do lạnh hay nóng, từ đó lựa chọn sử dụng gừng hay vị thảo dược khác.

Người bị lạnh thường có triệu chứng sợ lạnh, chân tay lạnh, có thể chảy nước mũi trong, đại tiện phân lỏng loãng, chất lưỡi trắng. Trong trường hợp bạn bị nóng gây ra bệnh với các triệu chứng như sốt, khát nước, chảy mũi vàng, đại tiện phân khô, khi này đừng dùng gừng, mà hãy thử dùng trà hoa cúc, kim ngân hoa pha nước uống, hoặc ăn các món ăn giúp cơ thể mát hơn.

Người có thể trạng âm suy không nên ăn gừng, tức là những người có các triệu chứng như lòng bàn tay, bàn chân nóng, toàn thân ra mồ hôi, mắ , mũi, miệng và da luôn khô, hay bị mất ngủ… mà gừng thuộc tính nóng, sinh nhiệt, tiêu âm do vậy không nên sử dụng gừng sẽ làm các triệu chứng ngày càng nặng thêm.

Ngoài ra vì gừng có tác dụng chống đông máu, do đó người trước mổ, người có tiền sử bị rối loạn chảy máu do mắc bệnh trĩ hay xuất huyết thì nên hạn chế ăn gừng ở bất kỳ dạng nào vì nó sẽ làm tình trạng chảy máu thêm nghiêm trọng hơn.

Ăn gừng cùng thịt chó gây đau bụng, ăn gừng cùng thịt thỏ gây tiêu chảy. Dân gian xưa cũng có câu, “buổi sáng ăn gừng, như ăn canh sâm, buổi tối ăn gừng, như ăn thạch tín” nói lên rằng nên ăn gừng buổi sáng, kiêng kỵ ăn buổi tối.

Đại Hải tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.