Mới đây, bé Ngô Đức V.H (2 tuổi, Nghệ An) đang chơi đùa bất ngờ bị chó nhà tấn công làm rách mặt, tổn thương mắt… Đây là trường hợp thứ 2 trong vòng 5 ngày mà bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận từ tuyến dưới chuyển lên.
Theo VTC, gia đình bệnh nhi H. có nuôi nuôi 1 con chó becgie để trông nhà. Thấy bé H. đang chơi nên con chó có chạy theo đùa cùng. Lúc này, bé H. lấy tay đuổi thì bất ngờ con chó lao vào tấn công, cào cắn khiến bé bị thương ở cổ, mặt và mắt, mất máu rất nhiều.
Gia đình nhanh chóng đưa bé H. tới bệnh viện huyện cấp cứu, cầm máu trước khi được chuyển lên bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Bác sĩ Hoàng Thị Thúy Vân, Khoa Răng Hàm Mặt – Mắt của bệnh viện cho biết, bé H. bị thương nhiều ở vùng mặt, dưới cằm, má phải, cánh mũi phải. Đặc biệt là ở mi trên và mi dưới mắt phải có nhiều vết rách rất phức tạp, nguy hiểm.
Các bác sĩ đã cắt lọc, rửa vết thương, phẫu thuật khâu tạo hình vết thương vùng đầu mặt và mắt cho bé. Sau mổ, bệnh nhi H. vẫn đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa.
Vài ngày trước đó, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng tiếp nhận bệnh nhi T.T.H.Y. (31 tháng tuổi, huyện Đô Lương) bị chó nhà cắn, theo Tiền Phong.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016 cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014) thì riêng chín tháng năm 2017 đã có 57 ca tử vong do bệnh dại.
Bác sĩ Vân khuyến cáo, để bảo vệ tính mạng cho bản thân và gia đình, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc-xin phòng bệnh. Không nên để trẻ em chơi đùa với những con thú hung dữ, tránh gây hậu quá đáng tiếc.
Ngoài ra, nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người, chú ý rọ mõm chó trước khi ra đường để tránh nguy cơ chó tấn công người khác.
Sơ cứu khi bị chó cắn
Khi bị chó cắn phải ngay lập tức vệ sinh vết cắn và sơ cứu vết thương. Đầu tiên, bạn phải tách rời phần quần/áo ra khỏi vị trí vết cắn, hạn chế nước bọt của chó còn dính trên vải quần, làm bám nhiều hơn vào vết thương.
Sau đó nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh, dùng nước ấm thì càng tốt. Bạn có thể sử dụng xà bông, nước muối hoặc dung dịch sát trùng vết thương. Tuy nhiên, tránh chà sát quá mạnh sẽ khiến vết thương nghiêm trọng hơn.
Nếu vết cắn chỉ xây xước thì có thể tự băng bó tại nhà. Trong trường hợp vết cắn sâu trên 2 cm, vết cắn gần vùng đầu, cổ hoặc bộ phận sinh dục, hoặc có quá nhiều vết cắt, hay không thể ngừng cháy máu thì cần cấp cứu nhanh nhất tại các cơ sở y tế.
Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2-3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.
(Tổng hợp)