Nhiều người thích cảm giác được lấy ráy tai khi đi cắt tóc nhưng việc này có thể mang lại vô số nguy hại cho thính lực của bạn. Hơn nữa, ráy tai cũng có vai trò rất hữu ích chứ không hẳn chỉ là đồ ‘dơ bẩn’ như cách nghĩ thông thường đâu.
Cần hết sức cẩn thận khi lấy ráy tai
Nhiều người có thói quen dùng bông tăm, chìa khóa ngoáy ngoáy lỗ tai cho… đã ngứa. Dễ gặp nhất là mấy anh hay đi hớt tóc, sẵn nhờ thợ lấy ráy tai bằng hàng tá dụng cụ, trông có vẻ chuyên nghiệp. Nhưng chúng ta có nên ngoáy tai hay lấy ráy tai hay không? Xin nói ngay rằng các chuyên gia về tai đều phản đối điều này.
Vấn đề thường gặp ở tai là tắc nghẽn ráy tai. Nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý đúng cách. CBS News dẫn khuyến cáo từ Viện Tai – Mũi – Họng của Mỹ về những việc không nên làm với đôi tai của chúng ta. Theo đó, các chuyên gia của viện này cho rằng không nên làm sạch tai quá mức, vì có thể gây kích ứng cho ống tai, dẫn đến nhiễm trùng và thậm chí còn tăng thêm lượng ráy tai.
Ngoài ra, chúng ta không nên ngoáy bông tăm, chìa khóa, bút chì, tăm xỉa răng… vào tai vì có thể gây tổn thương ống tai vốn rất mỏng manh, các dụng cụ ở tiệm còn không được vệ sinh tiệt trùng, tiềm ẩn rất nhiều mần bệnh khó tránh. Tổn thương thường thấy là trầy xước, thủng màng nhĩ, làm mất thính giác và ù tai hay chóng mặt…
Do lớp màng nhĩ trong tai rất mỏng nên có thể bị thủng bất cứ lúc nào dù chỉ với một áp lực nhỏ. Và khi màng nhĩ thủng, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian và trải qua nhiều đau đớn trước khi lớp màng nhĩ có thể tự lành lại.
Nếu chọc sâu hơn, bạn còn gây ra tổn thương phía sau màng nhĩ – làm trật khớp chuỗi xương con gây giảm thính lực. Thậm chí nặng hơn, hành động này có thể gây tổn thương cả tai trong, gây giảm thính lực đến điếc hoàn toàn.
Tốt nhất đừng ngoáy tai vì ráy tai không có tội – Tai chúng ta hoàn toàn có khả năng tự làm sạch
“Không nên nhét bất cứ thứ gì nhỏ hơn cùi chỏ vào tai”, các chuyên gia nhấn mạnh. Họ nói vậy là muốn mọi người biết rằng ráy tai không có gì xấu mà ngược lại, chúng giúp bảo vệ ống tai. Do đó, bạn không cần phải lấy ráy tai trừ trường hợp xảy ra một số vấn đề nào đó trong tai. Ráy tai còn là chất làm ẩm cần thiết cho ống tai và giúp ngăn ngừa bụi bẩn cũng như dị vật lọt sâu bên trong.
Nhưng một số ít người sẽ gặp vấn đề như tắc nghẽn ráy tai. Cụ thể là cứ 20 người trưởng thành thì có 1 người gặp tình trạng này.
Nhưng bạn có biết, tai của chúng ta có khả năng tự làm sạch. Theo quy luật tự nhiên, ráy tai sẽ từ từ tự thoát ra bên ngoài, cuốn theo nhiều mầm bệnh và tế bào da chết ra khỏi tai.
Cụ thể, dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ tự khô rồi bong ra, di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài. Ngoài ra, khi nói chuyện, nhai thức ăn, di chuyển hay tắm… cũng giúp phần nào lớp ráy tai dễ bong ra và trượt ra ngoài thuận lợi hơn.
Với cơ chế tự làm sạch tai nên mỗi khi bạn sử dụng bông tăm hay dụng cụ lấy ráy tai – bạn đã không chỉ đưa thêm nhiều vi trùng mới mà còn đẩy một số ráy tai đang trên đường thoát ra trở lại sâu trong tai.
Điều này có nghĩa là bạn đã đưa tất cả bụi bẩn và vi khuẩn trở lại vị trí ban đầu. Tệ hại hơn, việc đưa quá sâu bông ngoáy tai vào trong tai sẽ làm tổn thương, đôi khi rách lớp màng mỏng phía cuối ống tai, gây ra hiện tượng thủng màng nhĩ.
Một vài biện pháp để làm sạch tai
– Khi bị ngứa tai, bạn chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai, day nắp tai chứ không nên vội ngoáy tai. Nếu ngứa không giảm, bạn có thể dùng thuốc nhỏ tai hay nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai.
– Đợi 5 – 10 phút – bạn nghiêng đầu về bên tai bị ngứa, day nhẹ vào nắp tai để thuốc còn dư chảy ra.
– Tiếp đến, bạn dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ để khô tai. Bạn lưu ý tuyệt đối không ngoáy tai, nếu sau vài ngày vẫn thấy ngứa, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám.
Hoàng Kỳ
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.