“Suốt 37 năm làm việc ở bệnh viện, đây là lần đầu tiên tôi gặp một ca hiếm như thế này” – BS Chuyên khoa 2, Võ Quang Phúc – Phó Giám đốc, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM – nói về cụ ông có que chân nhang dài 2cm trong lỗ rò tai.
Cụ ông 73 tuổi (ở Long An) được đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng (TMH) vì có lỗ rò chảy dịch phía trước và sau tai phải, sưng tấy. Lỗ rò được xác định là rò luân nhĩ bẩm sinh nên được chuyển đến điều trị tại Khoa Nhi Tổng hợp.
Cụ ông cho biết, vì lỗ rò thường xuyên gây ngứa nên cụ ông có thói quen dùng chân nhang để cho vào lỗ rò ngoáy cho “đã ngứa”. Tuy nhiên, chân nhang đã bị gãy và lọt vào phía sâu bên trong lỗ rò. Bệnh nhân để suốt 1 năm trời mà không can thiệp gì. Khoảng 1 tháng nay, phía trước và phía sau vành tai bệnh nhân chảy dịch hôi, sưng nề nên mới nhờ người nhà đưa đến bệnh viện.
Tại Bệnh viện TMH, bệnh nhân được điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng. Sau đó, bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy đường rò luân nhĩ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện trong vùng mô xơ nhiễm trùng có dị vật là một đoạn chân nhang dài 2cm ở đường rò đi từ phía trước ra sau vành tai.
Lỗ rò luân nhĩ là dị tật bẩm sinh nhiều người gặp phải, là lỗ nhỏ ở khu vực tai, thường gặp gờ tai, dái tai, vành tai… thường thấy ở 1 bên, bé gái bị nhiều hơn bé trai. Bên trong đường rò là một ống được lát bởi các lớp biểu mô, nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã… nên ống này hay bị bít tắc gây nhiễm trùng, chảy nước hôi.
Tuy nhiên nó không ảnh hưởng dến thính lực. Khoảng 1/3 bệnh nhân không có triệu chứng và không cần phẫu thuật. Chỉ khi nào lỗ rò gây áp xe, nhiễm trùng mới cần phẫu thuật. Vì vậy, nếu có lỗ rò luân nhĩ chỉ cần vệ sinh lỗ rò bên ngoài, tuyệt đối không dùng tăm, vật nhọn để ngoáy vào lỗ rò, không bóp, day ấn để lấy dịch.
Hiện tại, sức khỏe của cụ ông đã ổn định và sẽ được xuất viện vào ngày 20/6.
***
Không chỉ có trường hợp ở lỗ rò luân nhĩ như cụ ông ở trên, nhiều người cũng có thói quen ngoáy tai thường xuyên. Tưởng chừng như vậy sẽ giúp tai sạch sẽ nhưng lại hoàn toàn ngược lại.
Thói quen ngoáy tai nhiều có tốt không?
Ngoáy tai là thói quen rất thường gặp, từ trẻ đến già, cứ ngứa tai là ngoáy, tắm xong cũng ngoáy, thỉnh thoảng lại ngoáy tai với lý do là để cho tai sạch. Nhiều người thường dùng tăm bông hay bất kỳ một loại vật cứng nào để ngoáy tai. Vậy ngoáy tai thường xuyên như thế có tốt không?
Nếu bạn ngoáy tai nhiều có thể gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết nằm bên dưới lớp da gây viêm ống tai – đặc biệt những ai đi bơi ở những ao hồ bẩn. Mặt khác việc ngoáy tai có thể đẩy khối ráy tai (nếu có) vào sâu hơn trong ống tai ngoài, thậm chí ấn sát vào màng nhĩ gây đau tai.
Ngoáy tai cũng có thể đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai. Chảy máu tai do rách da ống tai ngoài là một trong những tai biến hay gặp nhất của việc ngoáy tai. Khoa Cấp cứu Bệnh viện tai mũi họng Trung ương cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ngoáy tai bằng que sắt lấy từ một cái ô hỏng, khi đang ngoáy bị cháu xô phải, xuyên thẳng vào trong tai trong hoặc não gây tổn thương nặng nề.
Ráy tai không hề bẩn như bạn tưởng…
Ráy tai được tạo thành từ khoảng 60% keratin (một loại protein) và các tế bào da chết, axit béo, cholesterol cùng nhiều hợp chất khác. Hỗn hợp này thường xuất hiện ở phần tai ngoài, do các tuyến ceruminous (chuyên sản xuất chất sáp) ở bên trong ống tai tiết ra.
Ráy tai chỉ được hình thành ở 1/3 ngoài của ống tai, phần sâu bên trong gần với màng nhĩ không sản sinh chất này.
Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ.
Theo quy luật tự nhiên, ráy tai sẽ từ từ tự thoát ra bên ngoài, cuốn theo nhiều mầm bệnh và tế bào da chết ra khỏi tai. Cụ thể, dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ tự khô rồi bong ra, di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài.
Ngoài ra, khi nói chuyện, nhai thức ăn, di chuyển hay tắm… cũng giúp phần nào lớp ráy tai dễ bong ra và trượt ra ngoài thuận lợi hơn.
Một vài biện pháp để làm sạch khi tai bị ngứa
Khi bị ngứa tai, bạn chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai, day nắp tai chứ không nên vội ngoáy tai. Nếu ngứa không giảm, bạn có thể dùng thuốc nhỏ tai hay nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai.
Đợi 5 – 10 phút, bạn nghiêng đầu về bên tai bị ngứa, day nhẹ vào nắp tai để thuốc còn dư chảy ra.
Tiếp đến, bạn dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ để khô tai. Nếu mấy ngày sau vẫn chưa hết ngứa bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám, tuyệt đối không được ngoáy tai.
Hoàng Kỳ t/h
Xem thêm:
- 7 lý do bạn không nên ngoáy mũi. Lý do đầu tiên: Nó khá nguy hiểm!
- 6 thói quen xấu nhiều người làm vào buổi sáng, khiến tuổi thọ hao mòn
- Sự tái sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.