Rối loạn tiền đình dễ xảy ra ở những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều trong phòng máy lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính. Triệu chứng thường gặp của rối loạn tiền đình là chóng mặt chao đảo, thấy mọi vật như xoay vần, buồn nôn, nôn, thậm chí là ngất xỉu.
Theo bác sĩ Đồng Ngọc Khanh, Giám đốc y khoa Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn, tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai, có vai trò quan trọng trong duy trì thăng bằng, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Khả năng giữ thăng bằng cơ thể tùy thuộc vào các cảm giác đến từ 3 vùng chính là mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương.
Bộ phận mê đạo và tiền đình ở tai trong có trách nhiệm cung cấp cho não bộ các cảm giác về tư thế, vị trí và sự xoay của cơ thể cũng như sự hiện diện các vật chung quanh.
Các chuyển động như quay mình, nghiêng sang phải qua trái, tới phía trước phía sau, lên trên hay xuống dưới đều được các bộ phận này ghi nhận. Não bộ tiếp nhận, phân tích, phối hợp các tín hiệu này để giữ vững cơ thể. Khi não bộ không sử dụng được các tín hiệu này hoặc tín hiệu không rõ rệt, trái ngược nhau thì ta sẽ bị mất thăng bằng.
Say sóng khi đi tàu biển, chóng mặt lúc ngồi xe là do cùng nguyên lý. Ngồi trong máy bay gặp gió bão, máy bay chòng chành, ta không nhìn thấy thay đổi bên ngoài nhưng tai tiếp thu sự dao động, ta thấy choáng váng, xây xẩm.
Các nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình
- Người béo hay người gầy quá.
- Thiếu máu: với phụ nữ có thể do sau khi sinh, còn đối với nam giới có thể do chấn thương gây mất máu nhiều. Hoặc cũng có thể do mắc một bệnh nào đó gây tình trạng nôn ra máu, hoặc đi ngoài ra máu mất máu quá nhiều.
- Thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng.
- Áp lực công việc lớn, phải ngồi lâu trước máy vi tính.
- Huyết áp thấp khiến lượng máu lên não không đủ.
- Uống rượu quá nhiều.
- Cơ thể bị nhiễm độc hóa chất, hoặc nhiễm độc do sử dụng thuốc.
Cách sơ cứu người bị rối loạn tiền đình
- Để người bệnh nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Chọn tư thế nằm thích hợp như: nghiêng trái hoặc phải, hoặc nằm ngửa.
- Nếu buồn nôn thì cho nôn hết ra, nhưng sau đó phải cho uống bù nước và điện giải; orezol là dung dịch được lựa chọn.
- Xen kẽ cho người bệnh uống một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng.
- Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý cho người bệnh
Người mắc chứng rối loạn tiền đình cần tập thể dục thường xuyên. Ban đêm nên để đèn ngủ sáng cho dễ quan sát sự vật chung quanh. Bệnh nhân không ngồi liên tục quá lâu, nhất là làm việc máy tính, hạn chế uống rượu, cà phê, thuốc lá, tránh tiếp xúc với các chất hoặc thực phẩm có mùi vị kích thích.
Người bệnh cũng không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường xuyên bị choáng váng.
Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, hoảng hốt, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt. Đặc biệt, tuyệt đối không được leo trèo cao.
Hoàng Kỳ (T/h)
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.