Lấy ráy tai là thói quen không tốt, làm mất đi chức năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể, có thể làm tổn thương ống tai. Các chuyên gia cảnh báo, lấy ráy tai quá nhiều và không đúng cách có thể ảnh hưởng thính giác, gây điếc.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) cho biết, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 5-10 bệnh nhi đến khám vì những khó chịu do lấy ráy tai gây ra. Trong đó, có khoảng 2-3 trường hợp bị rách da ống tai, nấm, nhiễm trùng, mưng mủ, rách màng nhĩ…
Thực tế, nhiều cha mẹ có thói quen, mỗi ngày khi tắm xong đều lấy tăm bông ngoáy vào tai trẻ. Điều này vô tình đẩy ráy tai sâu vào bên trong, gây ra nút ráy tai bịt kín tai trẻ.
Bác sĩ Vũ Hải Bằng, Trưởng Khoa Khám bệnh, bệnh viện Tai Mũi Họng Tp.HCM trao đổi với VnExpress, thực tế ráy tai sinh ra là để bảo vệ ống tai, lót bên trong giúp duy trì độ ẩm, ngăn ngừa vi khuẩn và nấm phát triển.
Lấy đi ráy tai sẽ làm mất hàng rào bảo vệ, làm trầy xước ống tai, thủng màng nhĩ, khiến vi trùng, nấm mốc xâm nhập gây viêm ống tai. Dấu hiệu viêm ống tai là ngứa, càng lấy ráy tai càng có cảm giác thoải mái.
Khi tình trạng nhiễm trùng trong ống tai xảy ra, đặc biệt ở người lớn tuổi bị suy giảm miễn dịch, tiểu đường… thì nhiễm trùng có thể ăn lên tới não, gây chết người.
Cũng theo bác sĩ Bằng, việc lấy ráy tai ngoài tiệm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như làm tổn thương, nhiễm trùng tai, lây lan viêm gan siêu vi, HIV…
Lưu ý khi vệ sinh tai
– Không nên đưa những vật sắc nhọn, tăm bông hoặc bất kỳ vật gì có khả năng làm tổn thương màng nhĩ và tổn thương thính lực vào trong.
– Thỉnh thoảng có thể sử dụng tăm bông để vệ sinh thật nhẹ nhàng bên ngoài, tạo cửa thoáng cho ráy tai bên trong đẩy ra.
– Chỉ khi nào ráy tai gây bít tắc ống tai mới cần phải gặp bác sĩ để lấy ra.
– Khi đi bơi, nếu tai bị ướt, nên nghiêng lỗ tai, cầm vành tai nhấc lên nhấc xuống tạo trọng lực cho nước chảy ra ngoài. Có thể dùng vải êm mềm lau nhẹ nhàng bên ngoài, hoặc dùng máy sấy tóc bật chế độ thấp để ở xa để giúp làm khô.
Lan Phương