Những người uống nước ngọt trong 10 tuần sẽ giảm độ nhạy insulin tới 17%. Khi uống một lượng nhỏ nước ngọt mỗi tuần không chỉ là tăng cân, mỡ máu cao mà còn làm tăng huyết áp, đường máu và giảm cholesterol tốt” – Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Endocrine Society cho biết.

Nghiên cứu đã phân tích 36 nghiên cứu khác nhau, trong đó đối tượng tham gia uống nhiều hơn 5 loại đồ uống ngọt mỗi tuần và các yếu tố nguy cơ do tiêu thụ nước ngọt trong suốt 1 thập kỷ qua.

Hầu hết các dữ liệu đều cho thấy bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa nước ngọt với tăng cân và nguy cơ hội chứng chuyển hóa. Sự dư thừa đường sẽ tác động đến mức độ insulin đưa đường vào máu. Điều này có thể góp phần “kích hoạt” hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường typ 2 trong cơ thể.

Cũng có bằng chứng cho thấy thường xuyên uống nước ngọt liên quan với cao huyết áp và bệnh tim mạch. (Ảnh: jamnews.ir)

Giáo sư Faadiel Essop, Đại học Stellenbosch (Nam Phi), tác giả của nghiên cứu này, cho biết: “Sự gia tăng tỉ lệ rối loạn tim mạch có liên quan chặt chẽ với quá trình đô thị hóa và lựa chọn các hành vi gây bất lợi cho sức khỏe như hút thuốc, ăn uống các thực phẩm nghèo dinh dưỡng, thừa calo”.

GS Essop dẫn chứng: “Ví dụ, việc tiêu thụ quá nhiều đường đang nổi lên như một trong những thay đổi lớn nhất trong chế độ dinh dưỡng trên toàn cầu trong suốt 1 thập kỷ qua và đang được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch”.

Và trong khi hầu hết chúng ta nghĩ rằng có thể kiểm soát điều này bằng cách uống các loại nước ngọt dành cho người ăn kiêng (không đường và chỉ chứa 10 calo năng lượng) thì các nghiên cứu cho thấy nó cũng gây ra các nguy cơ béo phì, đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ tương tự như nước ngọt thông thường.

Những tác động của nước ngọt trong 1 tiếng đồng hồ

Trang Therenegadepharmacist đăng tải inforgraphic về những tác động trong một tiếng đồng hồ của một lon nước ngọt đến cơ thể, đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng internet.

Những người uống nước ngọt trong 10 tuần sẽ giảm độ nhạy insulin tới 17%. (Ảnh: daubao.com)

10 phút đầu tiên: 10 thìa đường đã đi vào cơ thể bạn (lượng đường khuyến cáo sử dụng cho một ngày).

20 phút: Nồng độ đường trong máu đạt đỉnh, đây là nguyên nhân giải phóng insulin ồ ạt. Gan bắt đầu chuyển hóa đường thành chất béo.

Ở động vật hay ít nhất là ở chuột phòng thí nghiệm, fructose sẽ được gan chuyển hóa thành chất béo. Điều này gây ra sự đề kháng insulin, hiện nay đây là vấn đề cơ bản cho chứng béo phì, đái tháo đường tuýp 2 và các vấn đề tim mạch thường gặp ở những người béo phì và thừa cân .

40 phút: Quá trình hấp thu caffeine hoàn tất. Đồng tử giãn, huyết áp tăng, tinh thần tỉnh táo.

45 phút: Cơ thể tăng sản xuất dopamine kích thích vùng trung tâm thoải mái của não bộ như cách mà heroin tác động. Caffein có tác dụng giải lo âu và tâm thần mạnh.

Sau 60 phút: Axit phosphoric liên kết với canxi, magie và kẽm ở ruột non làm gia tăng sự trao đổi chất. Kết hợp với mức đường cao trong máu làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu.

Tính chất lợi tiểu của caffeine được thể hiện, cơ thể sẽ thải canxi, magie, kẽm, muối, chất điện giải và nước. Tổng lượng ure, canxi, magie, natri, clorua, kali và creatinine tăng lên trong hai giờ sau khi caffeine được tiêu hóa.

Khi cảm giác thăng hoa mất đi, bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì thiếu đường. Bạn trở nên cáu kỉnh và/hoặc chậm chạp. Cuối cùng, cơ thể sẽ thải ra ngoài hết lượng nước ngọt uống vào đi kèm với đó là những chất dinh dưỡng đáng giá mà cơ thể có thể sử dụng cho xương, răng…

Những phát hiện này một lần nữa cho thấy cần thiết phải truyền thông về tác hại của việc tiêu thụ quá nhiều đường qua các loại nước ngọt”, GS Essop nhấn mạnh.

Liên hợp quốc từng cảnh báo cách đây 6 năm về các bệnh mạn tính sẽ gây ra các nguy cơ sức khỏe lớn hơn bệnh truyền nhiễm. Rối loạn chuyển hóa và đái tháo đường đã gây ra 19 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.