Từ hàng nghìn năm nay, người ta đã nghĩ đến việc biến nước biển thành nước ngọt, nhưng quá trình này thường hao phí rất nhiều tiền bạc và năng lượng.
Tuy nhiên, một tổ chức phi lợi nhuận đã giải quyết được vấn đề trên bằng cách lợi dụng năng lượng mặt trời. Tổ chức đó là GivePower và họ vừa mới thiết lập một cơ sở tại Kenya, theo Business Insider.
Một hệ thống khử muối, vừa mới đi vào hoạt động tại vùng bờ biển Kiunga (Kenya) vào tháng 7/2018, có thể tạo ra 75.000 lít nước ngọt sạch mỗi ngày, đủ nguồn cung cho 25.000 người.
“Bạn phải tìm ra một con đường để đưa nước ngọt ra khỏi đại dương theo một cách thức rộng mở và bền vững”, Hayes Barnard, chủ tịch GivePower, trao đổi với Business Insider.
Barnard hy vọng sẽ có thể mở rộng hệ thống và khai trương các cơ sở tương tự trên toàn cầu để cung cấp nước ngọt sạch cho những người đang phải vật lộn để có được nó, theo UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến năm 2025, ước tính một nửa dân số thế giới sẽ sống trong các khu vực khan hiếm nước sạch; hiện nay các thành phố như Cape Town (Nam Phi); Chennai (Ấn Độ); và Bắc Kinh (Trung Quốc) đã và đang phải đối mặt với nguồn cung nước sạch suy giảm.
Tình trạng khan hiếm nước sạch khiến các bạn nữ không thể đến trường
Năm 2013, Barnard bắt đầu dự án GivePower trong vai trò một chi nhánh phi lợi nhuận của SolarCity, một công ty sản xuất pin mặt trời được Elon Musk đồng sáng lập vào năm 2006. SolarCity sau này đã sáp nhập với Tesla vào năm 2016, nhưng Barnard đã tách dự án GivePower ra thành một tổ chức độc lập không lâu trước đó.
Tổ chức phi lợi nhuận này chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các nước đang phát triển trên toàn cầu. Trên trang web của mình, GivePower cho biết đã lắp đặt lưới điện mặt trời tại hơn 2.650 địa điểm trên 17 quốc gia, tập trung chủ yếu tại các trường học, trạm y tế và làng mạc.
Nhưng bất kể một trường học có một nguồn cung điện năng ổn định hay không, thì việc thiếu nước sạch đã khiến rất nhiều học sinh nữ phải nghỉ học. Theo Ủy ban Liên hợp quốc về Nhân quyền, phụ nữ và trẻ em ở khắp châu Phi và một số nước châu Á phải đi bộ trung bình khoảng 6km mỗi ngày để lấy nước, những chuyến hành trình đó khiến họ mất đi thời gian và năng lượng vốn có thể dùng cho việc học tập.
“Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng điều lớn lao tiếp theo sẽ là mang nước sạch đến cho họ”, ông Barnard nói. “Đó là động lực đằng sau ý tưởng này. Liệu chúng tôi có khả năng cung cấp cho người dân một nguồn nước sạch quy mô lớn một cách ổn định, lâu dài với mức giá hợp lý hay không?”
Công nghệ khử muối không hề mới, nhưng nó sử dụng máy bơm công suất lớn và “khét tiếng” trong việc tiêu tốn nhiều năng lượng (do đó khá đắt tiền). Tuy nhiên, hệ thống lưới điện siêu nhỏ (microgrid) sử dụng năng lượng mặt trời mà GivePower chế tạo lại có thể tạo ra gần 20.000 gallon nước sạch mỗi ngày. Hệ thống này chạy bằng các cục pin dự trữ năng lượng của Tesla, và nó sử dụng hai máy bơm song song để hệ thống có thể vận hành mọi lúc, ngay cả khi một máy bơm đang được bảo trì.
Người dân địa phương chỉ phải trả khoảng ¼ một cent (0,0025 USD = 58 VND) cho mỗi 4 cốc nước (tương đương một lít nước).
Cuộc khủng hoảng nước hiện tại trên toàn cầu
Khi mực nước biển ngày một dâng cao, các nhà khoa học cho rằng nước mặn sẽ xâm chiếm nhiều nguồn nước ngọt hơn ở khu vực ven biển.
Đối với Kiunga – Kenya, đây chắc chắn không phải là một giả định, khi một đợt hạn kéo dài từ năm 2014 đã buộc người dân nơi đây phải sử dụng các nguồn nước giếng nhiễm mặn, mặc dù họ biết rằng làm vậy có thể gây suy thận, theo GivePower.
Trong một video quảng cáo về dự án của GivePower, người dân Kiunga Mohammed Atik cho biết “nguồn nước mặn từ các giếng không được xử lý mà dùng luôn”, do đó có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.
“Cộng đồng nơi đây đang đối mặt với một tình huống thực sự nghiêm trọng”, Barnard nói. “Trẻ em đang đi lòng vòng quanh đây với các vết thương – vết rộp trên cơ thể do mặc quần áo giặt bằng nước muối”.
Khử mặn, tạo nước ngọt bằng năng lượng mặt trời trên toàn cầu
Là dự án đầu tiên của GivePower, cơ sở Kiunga tiêu tốn 500.000 USD phí xây dựng và mất 1 tháng để thi công. Tổ chức hy vọng thu được 100.000 USD doanh thu mỗi năm và sử dụng nó để mở rộng cơ sở tại các nơi khác. Mục tiêu của họ là cắt giảm kinh phí đầu tư cho mỗi nhà máy xuống còn 100.000 USD trong tương lai.
“Chúng tôi hy vọng một trong những hệ thống này sẽ có thể tài trợ cho một hệ thống tiếp theo cứ sau mỗi chu kỳ 5 năm”, ông nói.
Nhóm của ông đã đang triển khai các dự án tiếp theo của mình, tại Đảo Gonâve ở Haiti và thành phố Mombasa ở Kenya. Barnard muốn các cơ sở này có thể đi vào hoạt động tầm cuối năm. GivePower cũng đang tìm kiếm một địa điểm ở Colombia cho một dự án tương tự trong tương lai.
Barnard bổ sung thêm rằng các nhà máy khử mặn còn góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở Kiunga một cách tự nhiên. Một nhóm phụ nữ đã bắt đầu mở dịch vụ giặt quần áo bằng nước ngọt, sau đó một người đàn ông sẽ đổ đầy một thùng nước ngọt và chở nó đi bán ở các khu vực dân cư lân cận.
“Sẽ tuyệt vời biết bao nếu những người phụ nữ nơi đây có thể kiếm tiền từ nguồn nước sạch này, cùng lúc con gái của họ có thể rảnh tay đến trường?” Barnard nói.
(Ảnh: Business Insider)