Hải sâm là một động vật biển tuyệt hảo, vừa là món ăn bổ dưỡng lại đồng thời là vị thuốc bổ có khả năng chống lại xơ vữa động mạch, bổ thận tráng dương, suy nhược cơ thể, điều trị viêm phế quản, liệt dương, di tinh…
Hình dáng bên ngoài có thể gai góc, nhầy nhầy khiến một số người nổi da ga khi lần đầu nhìn thấy nhưng hải sâm thực sự là loài động vật rất hiền lành và hữu dụng.
Hải sâm sống dưới biển
Hải sâm ở Anh quốc gọi là dưa chuột biển (Sea cucumber) vì hình dáng giống quả dưa chuột, Pháp gọi là cá mai biển (Beche de mer), Nhật Bản gọi Namako… loài có gai gọi là thích sâm, không có gai gọi là quang sâm, loài lớn có gai gọi là hải nam tử (theo Cương mục thập di). Việt Nam gọi hải sâm là sâm biển, đồn độp hay tên dân gian là đỉa biển.
Ở Việt Nam có nhiều loại hải sâm khác nhau. Các vùng biển Khánh Hòa hay biển đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu… là những nới thấy có nhiều hải sâm sinh sống.
Hải sâm thuộc loại động vật thân mềm, thân hình dài trung bình khoảng 20cm, da có lông, sần sùi hơi nhám, xương trong nằm ngay dưới da, cư trú tại các thảm san hô chết hay đáy cát dưới biển, nhiều nhất thấy ở độ sâu từ 2 – 5m.
Chúng là loài vật chuyên ăn xác chết của động vật dưới biển, nên được mệnh danh là “vệ sinh viên của biển”. Thức ăn của chúng là loài phù du và các chất hữu cơ tìm thấy dưới biển. Một trong những cách chúng bắt mồi là nằm trong sóng và bắt những loài trôi trong đó bằng các xúc tu khi các xúc tu mở ra.
Hải sâm cũng có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô như nhiều loại hải sản khác.
Công dụng của hải sâm
Đông y cho rằng hải sâm có vị mặn, tính ấm đi vào các kinh Tâm, Tỳ, Thận và Phế.
Hải sâm có công năng bổ thận ích tinh, thêm tinh tủy, tráng dương, sát khuẩn, dưỡng huyết nhuận táo, sử dụng trị mọi chứng hư lao như các chứng huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón, lỵ kinh niên.
Ngay từ xa xưa hải sâm đã được mệnh danh là “Nhân sâm của biển cả”. Về mặt thực phẩm có nhiều y gia đã coi thịt hải sâm ngang tầm với tám món ăn cao lương mỹ vị nổi tiếng trong “Bát trân” của phương Đông sử dụng trong cung đình.
Hải sâm chứa nhiều chất đạm, ít chất béo. Thành phần chất đạm gồm nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể như glycine, arginine, leucine, alanine, glutamine, tauri.
Hải sâm còn chứa nhiều chất khoáng vi lượng có ích như kẽm, sắt, đồng, iod, crôm… hơn các loài thủy hải sản khác.
Do vậy người ta thường kết hợp hải sâm với các thực phẩm khác để chế biến món ăn để bồi bổ sức khỏe:
Bồi bổ cơ thể: Hầm hải sâm với thuốc bắc như đương quy, thục địa, kỷ tử, ngưu tất, ăn trong ngày.
Chữa chứng huyết áp cao (kể cả xơ vữa động mạch): dùng hải sâm 50g, cho hầm nhừ, chế chút đường phèn và ăn hết trong ngày. Cần ăn 7 ngày liền.
Xơ vữa động mạch: Dùng hải sâm 50 g hầm nhừ, chế thêm một chút đường phèn, ăn trong ngày.
Suy nhược thần kinh: Dùng hải sâm 30 g ninh với gạo nếp 100 g thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Trị chứng đái tháo đường: hải sâm 2 con, trứng gà 1 quả, tụy lợn 1 cái, cho cả 3 thứ vào bát hấp chín và ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 5 – 7 ngày.
Táo bón: Hải sâm 30 g, đại tràng lợn 120 g làm sạch, mộc nhĩ đen 15 g, ba thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn liên tục trong nhiều ngày.
Liệt dương: Hải sâm 20 g hầm với thịt dê 100 g, ăn trong ngày.
Hoàng Kỳ (t/h)
Xem thêm:
- Tại sao cá chép lại được người xưa coi như “tiên dược” cho phụ nữ?
- 10 đặc sản có một không hai của Việt Nam khiến nhiều người nổi da gà
- Sau 14.500 giờ bay, Cơ trưởng người Việt tìm ra món quà quý giá và thực hiện nguyện ước của mình
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.