Hoài thai 9 tháng 10 ngày là một hành trình hạnh phúc nhưng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhiều nguy cơ vẫn luôn ở sát bên. Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo gợi ý mẹ bầu cần nên đi khám để theo dõi và điều trị nếu cần.

1. Ra máu âm đạo, sốt, đau nhức cơ thể và ớn lạnh

Tình trạng ra máu âm đạo từ trung bình tới nặng hoặc xuất huyết âm đạo đi kèm với sốt, đau nhức cơ thể và/hoặc ớn lạnh là các dấu hiệu gợi ý mẹ bầu cần nhập viện khẩn cấp.

2. Đau đầu, hoa mắt và chóng mặt

Related image
(Ảnh minh hoa: beautysouthafrica)

Những cơn đau đầu dai dẳng và nghiêm trọng – nhất là khi đau đầu kèm với chóng mặt, hoa mắt và/hoặc nhìn mờ – là các dấu hiệu gợi ý mẹ bầu nên đi viện. Khi này thai phụ nên tìm một chỗ vững chãi để ngồi xuống và nghỉ ngơi một lúc. Hãy uống một chút nước (tình trạng mất nước đôi khi cũng gây nên các triệu chứng này) và nằm nghỉ nghiêng người về bên trái.

3. Tiểu nhiều lần, tiểu buốt

Mặc dù trong quá trình mang thai, thai phụ sẽ đi tiểu nhiều lần hơn, nhưng nếu mẹ bầu có kèm theo cảm giác buốt, nóng rát khi đi tiểu, thì đây là có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu, mẹ bầu cần sớm đi khám.

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đẻ non, trẻ nhẹ cân. Để phòng ngừa tình trạng này, mẹ bầu nên uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát.

4. Đau bụng dưới từ vừa đến nặng

Trong quá trình mang thai nhiều mẹ bầu có thể trải qua những cơn đau nhẹ, thoáng qua. Tuy nhiên những cơn đau xuất hiện dày đặc, kéo dài, cường độ từ vừa đến nặng đều là các dấu hiệu mẹ bầu cần lưu ý và đi khám bác sỹ ngay lập tức.

5. Nôn mửa kèm sốt và đau nhức cơ thể

Nôn là hiện tượng hay gặp khi mang thai, nhưng nhiều quá thì cần lưu ý (Ảnh: qua giadinh.net.vn)

Bạn đã từng trải qua cảm giác buồn nôn hơi khác với tình trạng ốm nghén thông thường hay chưa? Nôn mửa nhiều hơn 1 lần/ngày, sốt và đau nhức cơ thể là những triệu chứng cho thấy mẹ bầu cần phải tới bệnh viện. Có thể là mẹ bầu đang bị ốm nghén nặng cần làm dịu lại để không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai.

Mặc dù ốm nghén bình thường không gây hại cho mẹ và thai, nhưng tình trạng nôn mửa không thể kiểm soát trong suốt thai kỳ cũng là một vấn đề cần sự can thiệp của bác sỹ.

6. Ra nước âm đạo nhiều, kéo dài

Nếu mẹ bầu bị ra nước âm đạo nhiều, kéo dài trước tuần thứ 37 thì nên đi khám ngay bởi đây có thể là triệu chứng của ối vỡ sớm, sinh non. Ngoài ra tình trạng này kết hợp với cơn đau co thắt vùng bụng dưới là dấu hiệu cảnh báo sảy thai, đẻ non, mẹ bầu cần đến viện để kiểm tra ngay lập tức.

Nếu bạn đang ở trong giai đoạn cuối thai kỳ, ra dịch âm đạo thường xuyên có thể là dấu hiệu túi ối của bạn đã bị vỡ và bạn sắp sinh em bé, do vậy hãy tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

7. Thai nhi không “đạp”

Ảnh minh họa: medimetry

Vào nửa sau của thai kỳ, mẹ bầu có thể bắt đầu việc theo dõi sự chuyển động của thai nhi bằng cách đếm số lần trẻ đạp vào thành bụng trong 10 phút. Các bác sỹ khuyên rằng thai phụ nên kiểm tra khoảng vài lần mỗi ngày và ước tính khoảng 10 lần chuyển động trong 10 phút là bình thường.

Trường hợp bạn không cảm thấy thai nhi đạp, hãy uống một cốc nước hoa quả (đường trong nước quả sẽ làm tăng nồng độ đường huyết của trẻ và thúc đẩy trẻ vận động), sau đó nằm xuống nghiêng người về bên trái trong một phòng yên tĩnh khoảng 30 phút.

Nếu sau lần thử thứ hai bạn vẫn không thấy bất cứ chuyển động nào của trẻ, hoặc bạn chỉ thấy thai nhi chuyển động dưới 10 lần trong khoảng 2 tiếng đồng hồ thì hãy đến bệnh viện ngay lập tức, vì đây có thể là dấu hiệu của suy thai.

Đại Hải