Để có sức khỏe tốt, chúng ta vẫn thường tìm kiếm những loại thuốc bổ, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng từ lâu Đông Y đã xếp thất tình (7 loại cảm xúc) là một yếu tố gây bệnh, và nghiên cứu của y học hiện đại gần đây cũng đều ủng hộ quan điểm này: một tâm thái tích cực sẽ cho một sức khoẻ tốt.
Tướng do tâm sinh: Con người ngoài cơ thể vật chất thì còn có hoạt động tư duy, nhìn tướng mạo của một người cũng có thể sơ bộ đánh giá tính cách một người đó, nên rèn luyện sức khoẻ tinh thần cũng không kém quan trọng.
Suy nghĩ tích cực có hiệu quả không kém tập thể thao
Rất nhiều người nghĩ rằng mình không phải là người có sức khỏe tốt, mặc cảm về bản thân. Nghiên cứu gần đây cho thấy suy nghĩ này thực ra rất nguy hiểm, nó sẽ làm bạn chết sớm, bất kể mức độ hoạt động thể lực như thế nào.
Theo các chuyên gia, chúng ta nên ưu tiên cả hai mặt: suy nghĩ tích cực và tập thể thao.
Tiến sỹ Alia Crum, phó giáo sư về tâm lý học trường Đại học Standford của Mỹ đã phân tích những khảo sát của hơn 60.000 người Mỹ trưởng thành từ 3 bộ dữ liệu quốc gia.
Trong khảo sát đều có câu hỏi: Bạn cho rằng hoạt động thể chất của mình là tích cực, kém tích cực hay tích cực hơn so với những người cùng độ tuổi khác?
Năm 2011, 21 năm sau khi cuộc khảo sát đầu tiên được tiến hành, các nhà khoa học nghiên cứu báo cáo tình hình tử vong của quần thể này. Cuối cùng họ phát hiện thấy ở những người có suy nghĩ tiêu cực, tức là nghĩ rằng mình hoạt động thể chất kém tích cực, có nguy cơ tử vong cao hơn 71% so với nhóm người nghĩ rằng mình hoạt động thể chất tích cực hơn.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng khác như hoạt động thể chất, độ tuổi, chỉ số BMI, bệnh mãn tính v.v. kết quả này vẫn đúng.
Trong một nghiên cứu năm 2007, tiến sỹ Crum nói với một nhóm nhân viên tại một khách sạn rằng cường độ hoạt động thể chất của họ đạt đến mức như khuyến cáo. Trước đó, hầu hết các nhân viên đều nghĩ rằng mình ít vận động. Sau khi thay đổi suy nghĩ, các chỉ số sức khỏe của nhóm nhân viên đều trở nên khả quan hơn, bao gồm có cân nặng, mỡ máu, huyết áp…
Lý giải về điều này, tiến sỹ Crum cho hay, niềm tin của chúng ta có tác động sinh lý hết sức rõ ràng. Chẳng hạn, trong hoàn cảnh căng thẳng, ý nghĩ về một sai lầm nào đó khiến chúng ta vã mồ hôi, run và tăng nhịp tim.
Đã đến lúc chúng ta coi trọng vai trò của tâm thái đối với sức khỏe. Trong công cuộc theo đuổi sức khỏe và trường thọ, điểm quan trọng không chỉ ở hành vi lành mạnh, mà còn ở suy nghĩ lành mạnh
– PGS.TS Crum kết luận –
Tinh thần tích cực giúp bạn đương đầu với thử thách gay go, tăng tuổi thọ, chống trầm cảm, tăng cường hệ miễn dịch
Một nghiên cứu tại hơn 600 bệnh nhân tại bệnh viện của Đan Mạch cho thấy, trong số những bệnh nhân có lối suy nghĩ tích cực, hơn một nửa có khả năng sống thêm ít nhất 5 năm.
Hệ miễn dịch của bạn cũng được hưởng lợi từ sự lạc quan: Một nghiên cứu phát hiện thấy trong khi phát ra những suy nghĩ tiêu cực, thì cũng gây nên hoạt động điện thế mạnh hơn ở vùng não gây suy giảm sức miễn dịch đối với văc-xin cúm. Ở những người lạc quan, chức năng của các tế bào miễn dịch trở nên tốt hơn.
Theo các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, những bệnh nhân có thái độ tích cực sẽ hồi phục nhanh hơn và đương đầu tốt hơn trong trận chiến với những căn bệnh nan y như ung thư, bệnh tim, bệnh AIDS…
Suy nghĩ tích cực là trợ thủ đắc lực giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn nguy nan. Bạn hãy thử nghĩ xem, một chiến binh nếu chưa lâm trận mà đã tinh thần suy sụp, lực chiến đấu giảm đi phân nửa rồi, gặp chút nguy hiểm đã dao động mà nghĩ ngay đến đầu hàng.
Trên đây chỉ là một vài trong nhiều nghiên cứu chứng thực được vai trò của yếu tố tinh thần đối với sức khỏe. Ít nhất về phương diện này, có lẽ y học cổ truyền phương Đông (YHCT) đã đi trước y học hiện đại một khoảng cách rất xa. Ngoài các liệu pháp chữa bệnh bằng thảo dược và không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp… YHCT còn lưu truyền các môn dưỡng sinh, khí công để người bệnh tự rèn luyện trị bệnh, ngoài các động tác ra thì cốt lõi đều nhấn mạnh vào tu dưỡng đạo đức để bảo tồn Tinh-Khí-Thần của cơ thể, coi đây là 3 bảo vật của sinh mệnh mỗi người.
Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (ông tổ ngành y Việt Nam) đã nêu phương pháp dưỡng sinh ngắn gọn trong 14 chữ:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”
Ngày nay cũng có rất nhiều môn tập, tuy nói là dưỡng sinh cổ truyền nhưng chỉ chú trọng đến các động tác mà không nhắc đến vấn đề cốt lõi là tâm thái. Nhiều sư phụ khí công vì mong cầu danh lợi nên đánh mất tinh hoa trong môn của mình, coi khí công như một biện pháp kiếm tiền cầu danh, thành ra hiệu quả không còn được tốt.
Gần đây có một môn khí công đã trở thành hiện tượng trên thế giới, đó chính là Pháp Luân Công. Khi mới bắt đầu truyền ra công chúng, nó nhanh chóng thu hút hàng triệu người tham gia tập, và ngày nay đã được biết đến rộng rãi trên 140 quốc gia và vùng miền. Pháp Luân Công có 5 bài tập nhẹ nhàng, nhưng yêu cầu đặt trọng điểm vào việc tu tâm dưỡng tính theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Những ai thực sự tuân theo tiêu chuẩn này đều đạt đến nội tâm an hoà, luôn biết nghĩ cho người khác trước, trong công tác cũng làm việc có trách nhiệm hơn. Và qua thực tế tập luyện, rất nhiều người đã thanh lý toàn bộ các chứng bệnh mắc phải. Điều này đã được ghi nhận trong các báo cáo khoa học.
Đại thi hào Nguyễn Du có câu: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nền văn hóa truyền thống cũng có câu: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Hàm nghĩa thật thâm sâu, không chỉ là vấn đề sức khỏe, mọi thứ ở nơi bản thân và xung quanh đều chuyển quanh tâm thái của bạn.
Mỗi sớm mai thức dậy, bạn hãy thử bắt đầu một ngày mới bằng tâm thái tích cực và dùng tâm thái đó đối đãi với mọi vật mọi việc xem sao? Đất lành, chim đậu; hoa thơm, bướm tự tìm đến. Với tâm thái tích cực, những điều tích cực tự nhiên sẽ đến với bạn, đó chính là quà tặng cuộc sống.
Đại Hải – Hoàng Kỳ
Xem thêm:
- Bỏ túi 27 bí quyết dưỡng sinh của người xưa, khỏi lo bệnh tật
- Tâm phục ‘nghệ thuật’ thâm thúy của thầy thuốc Đông y khi chữa bệnh trầm cảm, thất tình
- Thuật trị bệnh: Tây y – Chỉ đâu đánh đó; Đông y – Dương đông kích tây; Khí công – Đánh như không đánh
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.