Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã cứu sống bệnh nhân 78 tuổi bị ngưng tim, ngưng thở bằng cách hạ thân nhiệt (kỹ thuật ngủ đông).
Gia Đình Mới đưa tin, trước đó khoảng 1 tháng, khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện 108 đã cứu sống cụ ông 78 tuổi trong tình trạng ngừng tuần hoàn.
Các bác sĩ đã nhanh chóng hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực, hỗ trợ hô hấp, dùng adrenalin…). Sau 20 phút tim bệnh nhân đã đập trở lại. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu do thiếu oxy não kéo dài.
Để tránh tổn thương não, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt (kỹ thuật ngủ đông) nhằm bảo tồn chức năng cho bệnh nhân.
Sau 72 giờ hạ thân nhiệt (hạ thân nhiệt về 33 độ C và duy trì trong 24 giờ đầu, nâng thân nhiệt trở lại và duy trì ở mức 36,5 độ C trong 48 giờ tiếp theo), kết hợp với các biện pháp điều trị tích cực như thở máy, lọc máu liên tục, theo dõi huyết động… bệnh nhân đã tỉnh, huyết áp cải thiện tốt, không cần máy thở. Hiện bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện.
Bác sĩ Đỗ Văn Nam, khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ngừng tuần hoàn là tình trạng đột ngột mất chức năng co bóp hiệu quả của cơ tim dẫn đến ngừng tưới máu, ngừng cung cấp oxy cho tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Não là cơ quan chịu đựng kém nhất với tình trạng thiếu oxy: Ngừng tưới máu ở vỏ não chỉ 5-6 phút, thân não và hành não là 10 phút, ở tủy sống 15-20 phút đã có thể phát sinh những ổ hoại tử tổ chức không hồi phục.
Đối với bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, cần nhanh chóng hồi sinh tim phổi, bởi nếu lâu sẽ dẫn đến những tổn thương nặng nề cho thần kinh trung ương, gây tử vong.
Trước đó, các bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định đã hồi sinh cho nam thanh niên N.Q.H. (21 tuổi, Tp.HCM) mắc mắc hội chứng Brugada bằng kỹ thuật ngủ đông. Các bác sĩ đã nhanh chóng hạ thân nhiệt, đưa nhiệt độ cơ thể về 33 độ C trong 24 giờ để bảo tồn các chức năng não. Đồng thời bệnh nhân H. được cấy máy tạo nhịp phá rung. Sau đó, cơ thể được làm ấm dần lên 36 độ, bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc an thần và phục hồi.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương ở những bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn. Các phương pháp hạ thân nhiệt bao gồm sử dụng nước lạnh, chăn lạnh hoặc miếng dán với thiết bị trao đổi nhiệt, hạ nhiệt khu trú bằng mũ… Hạ thân nhiệt bề mặt: Sử dụng nước lạnh,chăn lạnh hoặc miếng dán với thiết bị trao đổi nhiệt, hạ nhiệt khu trú bằng mũ… Hạ thân nhiệt bên trong: Kiểm soát thân nhiệt nội mạch qua catheter chứa dung dịch lạnh đưa vào tĩnh mạch trung tâm hoặc truyền dịch lạnh vào tuần hoàn chung. Các giai đoạn của quá trình hạ thân nhiệt: Giai đoạn 1: Hạ thân nhiệt nhanh. Bằng phương pháp hạ thân nhiệt được lựa chọn, nhiệt độ trung tâm cơ thể nhanh chóng được đưa đến mức mục tiêu (32°C-36°C) trong khoảng thời gian thường là từ 1-3 tiếng. Giai đoạn 2: Duy trì thân nhiệt mục tiêu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và chiến lược của từng trung tâm hồi sức mà nhiệt độ trung tâm mục tiêu của bệnh nhân có thể được duy trì trong 24-48 tiếng. Giai đoạn 3: Làm ấm trở lại. Mức tăng thân nhiệt mỗi 0,25°C-0,5°C một giờ được áp dụng để tránh biến chứng phù phổi cấp hay rối loạn huyết động do tăng thân nhiệt đột ngột gây ra. Giai đoạn 4: Duy trì thân nhiệt bình thường.Trong giai đoạn này nhiệt đột trung tâm cơ thể được duy trì từ 36,5°C -37,5°C trong khoảng thời gian 24 tiếng. |
(Tổng hợp)