Ông T. (54 tuổi, Việt kiều Mỹ) đang chạy thể dục buổi sáng bất ngờ đau ngực dữ dội, khó thở, ngã quỵ ra đường được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Thanh Niên đưa tin, ông T. được đưa vào bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng ngưng tim ngưng thở. Ê-kíp đã cấp cứu hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân đồng thời báo động đỏ liên viện đến bệnh viện Nhân dân Gia Định.

benh nhan 3 lan ngung tim ngung tho duoc hoi sinh nho ky thuat gau ngu dong
Ngưng tim, ngưng thở 3 lần, ông T. may mắn sống sót nhờ kỹ thuật “gấu ngủ đông”. (Ảnh: Thanh Niên)

30 phút sau khi hồi sức tim và sốc điện trên 10, ông T. đã bắt đầu hồi phục tuần hoàn. Bác sĩ hai bệnh viện chẩn đoán, bệnh nhân T. bị nhồi máu cơ tim tối cấp, cần can thiệp tái thông mạch vành.

Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển sang bệnh viện Nhân dân Gia Định để cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân 2 lần bị ngưng tim ngưng thở, não thiếu máu quá lâu nên các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy – “gấu ngủ đông”.

TS.BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, kỹ thuật này giúp hạ thân nhiệt từ 37 độ C xuống còn 33 độ C trong vòng 24 giờ liên tục, giảm được sự chuyển hóa. Từ đó sẽ giúp cứu được tế bào não, giúp người bệnh giảm nguy cơ sống thực vật hoặc di chứng não do ngưng tim ngưng thở kéo dài thường gặp.

Nhờ được cấp cứu kịp thời, hiện ông T. đã ổn định sức khỏe, không bị di chứng não, có thể tiếp tục công việc dạy học.

Trước đó, các bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định, đã hồi sinh cho nam thanh niên N.Q.H. (21 tuổi, TP.HCM) mắc mắc hội chứng Brugada bằng kỹ thuật “gấu ngủ đông”.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương ở những bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn. Các phương pháp hạ thân nhiệt bao gồm sử dụng nước lạnh, chăn lạnh hoặc miếng dán với thiết bị trao đổi nhiệt, hạ nhiệt khu trú bằng mũ…

Hạ thân nhiệt bề mặt: Sử dụng nước lạnh,chăn lạnh hoặc miếng dán với thiết bị trao đổi nhiệt, hạ nhiệt khu trú bằng mũ…

Hạ thân nhiệt bên trong: Kiểm soát thân nhiệt nội mạch qua catheter chứa dung dịch lạnh đưa vào tĩnh mạch trung tâm hoặc truyền dịch lạnh vào tuần hoàn chung.

Các giai đoạn của quá trình hạ thân nhiệt:

Giai đoạn 1: Hạ thân nhiệt nhanh. Bằng phương pháp hạ thân nhiệt được lựa chọn, nhiệt độ trung tâm cơ thể nhanh chóng được đưa đến mức mục tiêu (32°C-36°C) trong khoảng thời gian thường là từ 1-3 tiếng.

Giai đoạn 2: Duy trì thân nhiệt mục tiêu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và chiến lược của từng trung tâm hồi sức mà nhiệt độ trung tâm mục tiêu của bệnh nhân có thể được duy trì trong 24-48 tiếng.

Giai đoạn 3: Làm ấm trở lại. Mức tăng thân nhiệt mỗi 0,25°C-0,5°C một giờ được áp dụng để tránh biến chứng phù phổi cấp hay rối loạn huyết động do tăng thân nhiệt đột ngột gây ra.

Giai đoạn 4: Duy trì thân nhiệt bình thường.Trong giai đoạn này nhiệt đột trung tâm cơ thể được duy trì từ 36,5°C -37,5°C trong khoảng thời gian 24 tiếng.

(Tổng hợp)