Trên thế gian này đâu có những năm tháng bình yên, chỉ là đã có người giúp bạn gánh vác trọng trách! Đại dịch xảy ra khiến cả thế giới chao đảo nhưng vất vả nhất có lẽ là các y bác sĩ, họ ngày đêm giành giật sự sống cho các bệnh nhân đang thoi thóp.
Một lần dịch bệnh xảy ra càng khiến chúng ta hiểu sự sống mong manh đến nhường nào, cái chết có thể đến với bất kỳ ai, bất cứ lúc nào.
Bác sĩ Anh viết tâm thư cho vợ
Bác sĩ Matt Morgan, 40 tuổi, đang làm việc tại Bệnh viện Đại học xứ Wales (Vương quốc Anh). Ca trực của anh tại Khu Chăm sóc Tích cực kéo dài 13 tiếng, bốn ngày mỗi tuần. Kể từ khi đợt dịch bùng phát, hai người đồng nghiệp của Matt đã qua đời vì virus nCoV.
Matt và các đồng nghiệp cũng đang đảm nhiệm vai trò của những người thân ở bên bệnh nhân vào phút cuối đời.
Anh kể về một ca trực sau nửa đêm lúc một người đàn ông trung niên nhiễm COVID-19 đã không còn hy vọng. Sau khi thông báo tin với gia đình bệnh nhân, Matt và một y tá đã ở cạnh nắm tay người đó.
“Thông thường, đó là việc mà các gia đình sẽ làm và muốn làm”, Matt tâm sự.
Ở bệnh viện của Matt có những chiếc sofa màu xanh biển phục vụ cho một mục đích đặc biệt. “Đó là chỗ mọi người có thể thảo luận những vấn đề khó khăn. Đó là nơi chúng tôi vui cười. Đó là nơi chúng tôi khóc”, Matt cho biết.
Thời gian qua, khu vực này được sử dụng nhiều hơn trước.
Bản thân Matt cũng từng rơi nước mắt ở đây sau khi viết email cho vợ, chị Alison khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Anh chia sẻ mật khẩu tài khoản, hy vọng giấc mơ của các con gái mình thành hiện thực. Bức thư cũng dành nhiều dòng gửi tới bố mẹ của anh đang ở độ tuổi 70 và có bệnh nền.
Trong thư, Matt nói với vợ rằng cô là tình yêu của đời anh, nhưng anh mong được vợ mình cảm thông vì anh cũng yêu công việc của mình nhường nào dù nó “vất vả lẫn nguy hiểm”.
“Chạm vào cuộc sống của những người khác là cảm giác tuyệt vời nhất trên thế giới”, anh nói.
Bác sĩ mặc bỉm của trẻ con, ăn mì tôm qua ngày
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nơi tập trung chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội chia sẻ trên báo Zing, các bác sĩ khi thăm khám cho bệnh nhân phải mặc đồ bảo hộ kín, rất nóng. Mỗi lần cởi đồ bảo hộ đều không thể tái sử dụng, vì vậy sẽ rất tốn kém, nhân viên y tế thậm chí mặc bỉm để hạn chế đi vệ sinh.
Hay như trường hợp đặc biệt của ca bệnh 268, một thiếu nữ 16 tuổi cư trú tại thôn Pín Tủng tỉnh Hà Giang.
Để đảm bảo công tác lấy mẫu xét nghiệm, đội ngũ kiểm dịch y tế đã lặn lội cả ngày đến tận nương rẫy tìm gặp từng người dân để lấy bệnh phẩm… phải ăn mỳ qua bữa, trải lá ngủ giữa rừng.