Một người sau khi được bác sĩ kết luận là chết não thì thường như không còn hy vọng, người đó đã chết, không thể hồi phục cho dù tim vẫn đập và còn có một số ‘biểu hiện sống’. Khi đó bác sĩ sẽ rút ống thở, người nhà có thể đăng ký hiến tạng, tuy nhiên liệu người này đã thực sự chết?
1. Chết não 123 ngày, cô gái 21 tuổi vẫn sinh 2 con xinh đẹp
Đó là câu chuyện nổi tiếng của chị Frankielen da Silva Zampoli Padilha ở Campo Largo, miền Nam Brazil.
Gắn bó với nhau 6 năm, chị Frankielen 21 tuổi và anh Muriel Padilha 24 tuổi đã có với nhau một cô con gái 2 tuổi. Cả gia đình đang hạnh phúc đón chờ một cặp song sinh dự sinh vào năm nay thì bi kịch lại bất ngờ đổ ập xuống mái ấm của họ.
Đó là một ngày vào tháng 10/2016, khi chị Frankielen đang mang thai ở tuần thứ 9.
“Khi tôi đang đi làm thì Frankielen gọi bảo tôi về nhà gấp”, anh Muriel nhớ lại: “Cô ấy nói đầu cô ấy đau muốn chết nên tôi đã bảo cô ấy uống một viên thuốc. Nhưng cô ấy nói rằng cô ấy rất đau cổ và nó khiến cô ấy không thể nào chịu được nữa”.
Vội vàng trở về nhà, anh Muriel nhìn thấy vợ đang nằm trên sàn run rẩy, khóc và nôn mửa vì đau đớn.
Anh Muriel Padilha xúc động kể lại: “Khi tôi lái xe đến bệnh viện, cô ấy nói rằng: “Em muốn anh chuẩn bị để chấp nhận điều này bởi vì có thể em sẽ phải ở lại đó, em sẽ không về nhà”. Rồi cô ấy ra đi và đó là những lời cuối cùng cô ấy nói với tôi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy cô ấy còn sống”
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã chẩn đoán chị Frankielen bị xuất huyết não. Khi được đưa tới viện, máu đã tràn ra não và không thể chữa khỏi.
Sau ba ngày cố gắng cứu chữa, các bác sĩ đã buộc phải thông báo rằng não của chị đã chết và cảnh báo với anh Muriel rằng cặp song sinh trong bụng chị có thể đã không còn hy vọng.
123 ngày giành giật sinh tử và điều kỳ diệu đã xảy ra
Tiến sĩ Dalton Rivabem, người đứng đầu khoa thần kinh tại bệnh viện kể lại: “Chúng tôi đã tiến hành siêu âm và nghĩ rằng có thể thai nhi đã tử vong trong dạ con của người mẹ. Thế nhưng, thật bất ngờ là thai nhi vẫn sống sót. Các cơ quan của cô Frankielen vẫn còn rất nguyên vẹn và hoạt động như thể cô ấy vẫn ở bên chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định giúp cô ấy kéo dài sự sống để cứu cặp song sinh chưa ra đời. Mỗi ngày, chúng tôi đều được nhìn thấy thai nhi phát triển bình thường”.
Hồi tháng 2/2017, sau 123 ngày người mẹ chết não, hai bé nhà Muriel đã chào đời qua sinh mổ. Bé gái Ana Vitoria nặng 1,4 kg và cậu em trai song sinh Asaph nặng 1,3 kg. Cả hai được chăm sóc trong lồng kính trong 3 tháng và sau đó được đưa về nhà để bà ngoại chăm sóc.
Trong suốt 123 ngày kể trên, ê-kíp các bác sĩ đã nỗ lực hết mình để nuôi dưỡng thai nhi thay chị Frankielen. Họ đã bật những bản nhạc, thậm chí hát cho thai nhi nghe, trang trí khu vực xung quanh giường của chị Frankielen để tạo không khí ấm cúng như ở nhà. Họ cũng không quên thì thầm mỗi ngày với thai nhi rằng: “Chúng ta yêu các con” như thay cho lời chị Frankielen muốn nói với cặp song sinh nhưng không thể nói được.
Mọi người đều xúc động trước sức sống kỳ diệu của 2 bé cũng như sự nỗ lực tuyệt vời của người mẹ. Tất cả ekip bác sĩ đã bật khóc khi cặp song sinh chào đời khỏe mạnh. Bà ngoại của 2 bé chia sẻ: “Tôi rất tự hào về con gái tôi. Thật khó để chấp nhận sự thật rằng con bé đã qua đời nhưng con bé đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ những đứa trẻ xinh đẹp của mình”.
2. Sinh con khỏe mạnh sau 107 ngày chết não
Sandra Pedro là một phụ nữ 37 tuổi sống ở Bragadas (Bồ Đào Nha). Khi nhận ra đang mang thai lần 2, Sandra đã đến bác sĩ để nhận lời khuyên. Tại đây, các bác sĩ đã cảnh báo cô về nguy cơ rất lớn phải đối mặt trong thời kỳ mang thai. Cô trước đây đã phải vật vã với bệnh viêm phổi, bị các vấn đề về tim thậm chí là hôn mê sâu. Cô cũng từng trải qua phẫu thuật thận. Tuy vậy, tình yêu thương con và khát khao trở thành mẹ lần nữa, Sandra quyết định không phá thai bất chấp nguy hiểm đến tính mệnh.
Vào tháng 2/2016, một cơn chảy máu não đã khiến Sandra trên bờ vực cái chết ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Khi đó Sandra đã biết giới tính con mình là nam nhưng không thể tiếp tục xem bụng mình phát triển như thế nào. Ngày 20/2, Sandra qua đời. Nhưng câu chuyện dường như mới bắt đầu từ đây…
Các bác sĩ đã siêu âm và phát hiện dấu hiệu sự sống của đứa bé trong bụng cô là rất tốt. Trái tim của đứa bé mạnh mẽ và đập bình thường. Quá ngạc nhiên trước hiện tượng này, các bác sĩ đã gửi kết quả xét nghiệm tới Ủy ban đạo đức Bệnh viện St. Joseph ở Lisbon. Ủy ban này cùng với gia đình Sandra và gia đình Michael Angelo Faria (cha của đứa trẻ) đồng ý tiếp tục để cô mang thai nhằm đảm bảo khả năng sống sót của thai nhi.
Sau đó, mặc dù Sandra không còn chức năng não và được tuyên bố lâm sàng là đã chết nhưng vẫn còn sự sống phát triển trong cô. Một đội ngũ hơn 80 người đã làm việc ngày đêm để giữ cho cơ thể mẹ hoạt động và duy trì tuần hoàn tử cung.
107 ngày sau đó, phép màu đã xảy ra: em bé trong bụng Sandra được sinh ra ở tuần thứ 32 thai kỳ.
Đây là tình huống mà không bác sĩ nào tại đó từng gặp phải và rất nhiều người dã khóc. Sau đó, các máy móc được tắt đi, cơ thể mẹ được giao cho gia đình còn em bé thì có sức khỏe hoàn hảo.
Người ta cảm phục sự can đảm của cô Sandra, bất chấp tính mạng của mình để giữ lại đứa con trong bụng, nhưng cũng khâm phục sự tận tụy tuyệt vời của đội ngũ y bác sĩ tại đây.
3. Chết não đã là thực sự chết?
Chúng ta còn bắt gặp nhiều câu chuyện khác về người mẹ sinh con sau nhiều ngày chết não, 55 ngày, 10 ngày… Thật cảm động trước tình mẹ con, sức sống mãnh liệt của các em bé trong bụng, tấm lòng bao la của các y bác sĩ nhưng cũng là dịp khiến nhiều chuyên gia đặt lại câu hỏi về định nghĩa: Thế nào là chết? Liệu chết não đã phải là chết thực sự? Và linh hồn (nếu có) của người đó đã thực sự muốn rời đi khỏi các thân xác đang bất lực nằm kia, hay vẫn còn lưu luyến mà không thể làm gì khác?
Một người được coi là chết não khi anh/cô ta không còn hoạt động thần kinh ở bộ não hoặc cuống não, tức là không có xung điện nào được phát đi giữa các tế bào não. Theo GS. TS. Diana Greene-Chandos, chuyên ngành thần kinh học và phẫu thuật thần kinh thuộc Trung tâm y tế Wexner, Đại học Ohio (Mỹ), các bác sĩ sẽ tiến hành hàng loạt phép kiểm tra để xác định liệu ai đó có bị chết não hay không, bao gồm việc xem liệu người này có thể tự xúc tiến việc thở của mình – một phản xạ rất căn bản do gốc não điều khiển. “Đó là thứ cuối cùng bị mất đi”, bà Greene-Chandos cho biết.
Trước đây, một người được coi là đã chết chỉ khi tim họ ngưng đập và họ ngưng thở.
Còn ngày nay thì kết luận kết não là đủ ở làm giấy khai tử ở nhiều nước. Khi chết não, với sự trợ giúp của công nghệ, có thể duy trì cơ thể ở một mức độ nhất định, nhưng theo thời gian thì ngày càng trở nên khó khăn và các mô có nguy cơ bị nhiễm trùng cao, theo TS. Greene-Chandos
Tuy nhiên, trường hợp của bé Jahi McMath, 13 tuổi đến từ Oakland, California (Mỹ) đã làm các chuyên gia đau đầu. Em được chẩn đoán chết não từ tháng 12/2013, các bác sĩ yêu cầu rút ống thở để em vĩnh viễn ra đi. Linh tính điều gì đó bất lành, gia đình của Jahi, đặc biệt là người mẹ đã phản đối, và cho đến nay là hơn 4 năm trôi qua, em vẫn ‘hồng hào xinh đẹp’.
Minh Thành