Cháo là món ăn sau cơm được dân Châu Á rất ưa thích. Món cháo dễ ăn, dễ hấp thụ, nấu được bằng nhiều nguyên liệu bổ dưỡng nên có thể bồi bổ sức khỏe và phòng chữa được nhiều thứ bệnh cho mọi người. 

Cháo cũng như cơm, được nấu từ nguyên liệu chính là gạo tẻ. Cháo có thể ăn vào bất cứ lúc nào trong ngày: làm bữa điểm tâm buổi sáng, ăn vào giữa buổi hay ăn thay bữa cơm, ăn cháo vào bữa khuya có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho những người già yếu, ốm đau hay tiếp thêm năng lượng cho những người lao động nặng nhọc…

Cháo là món dễ nấu, dễ ăn và có nhiều cách chế biến. Chỉ cần có gạo và nước là có thể nấu được nồi cháo, gọi là cháo hoa. Từ món cháo hoa này có thể phối hợp với các loại ngũ cốc khác hoặc thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản… tạo thành các món cháo dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe và có khả năng phòng chữa bệnh tật.

Cháo dùng để chữa bệnh còn gọi là cháo thuốc, dựa trên nguyên tắc lý luận của y học cổ truyền, tùy từng trường hợp cụ thể mà chọn các loại thảo dược tương ứng để nấu cháo.

Lợi ích của cháo dinh dưỡng và cháo thảo dược

Tăng cường thể chất, phòng chống bệnh tật: Chức năng tỳ vị mạnh hay yếu có liên quan mật thiết tới sức khỏe của con người. Cháo thảo dược thông qua điều hòa tỳ vị, cải thiện chức năng tiêu hóa có tác dụng quan trọng hỗ trợ chính khí, tăng cường thể chất cho cơ thể.

Tác dụng dưỡng sinh, kéo dài tuổi thọ: Thực tế và các nghiên cứu thực nghiệm đều chứng minh rất nhiều vị thuốc có tác dụng dưỡng sinh, tăng cường thể chất, ngăn ngừa lão hóa sớm, kéo dài tuổi thọ như nhân sâm, kỷ tử, đào nhân…

Tác dụng hỗ trợ bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực trong và sau điều trị bệnh, đặc biệt phù hợp đối với những cơ thể suy nhược, bệnh nhân ốm nặng, ốm lâu ngày hoặc sản phụ sau sinh. Bởi, cháo là chất dinh dưỡng dễ hấp thu, dễ tiêu hóa, tùy bệnh tình mà chọn các loại thảo dược phù hợp để nấu cháo.

Những điều cần lưu ý khi dùng cháo dinh dưỡng

Không nên ăn cháo lúc bụng quá no hoặc quá đói. Khi bụng đói, một số thành phần hoạt chất trong cháo như Tanin, Alcaloid… sẽ kích thích niêm mạc dạ dầy, gây cảm giác cồn cào, khó chịu, có trường hợp có thể bị xây xẩm chóng mặt. Ngược lại, lúc no quá làm giảm sự hấp thu thuốc, cản trở tiếp xúc của thuốc với niêm mạc dạ dày, làm chậm quá trình hấp thụ thuốc.

+ Ăn cháo thuốc theo “dược lý thời khắc”: Bệnh ở thượng tiêu; các loại thuốc có khả năng kích ứng niêm mạc dạ dầy, các thuốc tiêu thực thì ăn trước đó khoảng 1 giờ rồi ăn cháo thuốc; Bệnh ở trung, hạ tiêu (thường gây nôn), kiện tỳ vị và phần lớn các loại thuốc bổ… thì ăn cháo thuốc trước khi ăn từ 1 -1,5 giờ; Bệnh ở kim mạch tứ chi, thuốc có tính thăng dễ và ôn dương bổ khí thì ăn cháo vào sáng sớm, lúc chưa ăn cơm. Với bệnh ở xương tuỷ thì ăn cháo lúc no vào buổi tối. Nói chung nên ăn cháo thuốc trước khi ăn một giờ.

  • Không ăn chung cháo với trứng, sữa, pho mai.
  • Không ăn chung cháo với nước giải khát có gas, nước ép trái cây, nước trà, các loại chè đậu, nước canh thịt, nước rau muống.
  • Không dùng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, các chất cay, nóng, nhất là đối với các thuốc thanh nhiệt, an thần.
  • Có thể kết hợp ăn cháo với thuốc Tây y, nhưng khoảng cách thời gian nên cách xa nhau tránh xung khắc lý hóa nguy hiểm giữa thuốc Đông y và Tây y.
  • Không ăn những thức ăn cứng, dai, khó tiêu, giúp thuốc dễ hấp thu.
  • Chú ý kiêng ăn theo lời khuyên của bác sĩ cho từng loại bệnh.
  • Đối với thuốc thanh nhiệt, giải độc tạm thời không ăn những thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản.
  • Với thuốc giải cảm thì kiêng ăn các chất có vị chua, mặn.
  • Thuốc có tác dụng kiện tỳ, kích thích tiêu hóa thì không ăn các chất có nhiều dầu, mỡ…
  • Ăn cháo bổ dưỡng… thì ăn cháo thuốc lúc ấm. Ăn cháo giải cảm hàn, giải độc cơ thể, hoạt huyết… thì ăn cháo thuốc lúc còn nóng hổi.
  • Ăn cháo thanh nhiệt thì cần để cháo thật nguội rồi mới ăn.

Mấy bài cháo thuốc tiêu biểu

Cháo vừng đen: vừng đen rửa sạch, phơi khô, sao chín, tán bột. Mỗi lần lấy 30g vừng nấu với 100g gạo tẻ. Món cháo này phù hợp với những người suy nhược, tóc bạc sớm, thiếu máu, hay hoa mắt chóng mặt…

Cháo nhân sâm: nhân sâm tán bột rồi lấy khoảng 3g, gạo tẻ 100g, đường phèn, nước vừa đủ, cho tất cả vào nồi đun nhỏ lửa tới khi cháo nhừ. Món cháo này có tác dụng bổ ngũ tạng, khí huyết, kéo dài tuổi thọ và phù hợp với người ăn không tiêu, tiêu lỏng mãn tính, hay hoảng hốt, mất ngủ, trí nhớ giảm, hay quên…

Cháo đậu xanh: đậu xanh 50g, gạo tẻ 100g. Đậu xanh để cả vỏ cho vào nồi cùng gạo tẻ, ninh nhừ thành cháo. Cháo có công dụng giải độc, sinh tân dịch và tiêu thũng, thích hợp cho người bị mụn nhọt, béo phì và rối loạn lipid máu.

Cháo đậu xanh
Cháo đậu xanh

Cháo hà thủ ô: lấy chừng 30 – 60g hà thủ ô nấu thành nước đặc, bỏ bã; thêm 100g gạo tẻ, táo lớn vài quả, đường phèn vừa đủ, nấu nhừ thành cháo. Cháo này có tác dụng ích thận, chống lão hoá, bổ huyết. Cháo phù hợp cho người thận suy, váng đầu, ù tai, suy nhược thần kinh, râu tóc bạc sớm và phòng ngừa, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, xơ hóa động mạch.

Cháo đậu tương: đậu tương tươi, gạo tẻ mỗi thứ 100g; đường phèn vừa đủ, đem tất cả nấu nhừ thành cháo. Mo1nn này dùng tốt cho người cao tuổi, suy nhược, dinh dưỡng kém hoặc mắc bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh mạch vành…

Cháo ngó sen: ngó sen tươi 400g, hồng đào 100g, gạo tẻ 300g, đường trắng 250g, một lượng nước vừa đủ. Ngó sen rửa sạch cắt ngắn, hồng đào rửa sạch, gạo vo sạch. Cho tất cả vào nồi, đổ vừa nước, nấu nhừ thành cháo. Cho tiếp đường vào đánh tan đến khi cháo sánh. Công dụng mát máu, điều hòa chức năng dạ dày, giải độc, giải nhiệt…

Cháo cúc hoa: lấy 100g gạo tẻ nấu thành cháo, thêm 10 – 15g cúc hoa (bỏ đế hoa, đã tán bột), đun sôi thêm chút nữa. Cháo này có tác dụng tán phong nhiệt, thanh can hỏa, giảm huyết áp, phù hợp với những người mắc bệnh mạch vành, cao huyết áp, hay có các chứng hoa mắt chóng mặt…

Cháo dâu tằm: trái dâu tằm chín 30g, nếu trái tươi lấy 60g; gạo tẻ 60g, đường phèn lượng vừa đủ. Cho tất cả vào nồi nấu nhừ thành cháo. Cháo này có tác dụng bổ can dưỡng huyết, sáng mắt, ích trí, phù hợp với trường hợp thận hư, đau đầu hoa mắt, mất ngủ, ù tai, mỏi lưng, râu tóc bạc sớm…

Cháo lá sen: lấy hai lá sen tươi non rửa sạch, nấu kỹ lấy nước, vớt lá bỏ đi; thêm 100g gạo tẻ vào nấu thành cháo. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, hạ huyết áp, giảm mỡ máu; cháo phù hợp với những người huyết áp cao, mỡ máu cao, béo phì…

Cháo lá sen và hạt sen
Cháo lá sen và hạt sen

Cháo sơn tra: sơn tra khô 30g, nếu tươi lấy 60g; gạo tẻ 100g; đường phèn 10g. Sơn tra nấu lấy nước, bỏ bã; thêm gạo vào nấu chín, rồi thêm đường đun sôi. Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh sơn tra có tác dụng tốt với mạch máu, đặc biệt mạch vành. Vì vậy, người có bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao, có bệnh tim mạch xơ hóa động mạch, người cao tuổi suy giảm trí nhớ nên thường xuyên ăn cháo sơn tra có tác dụng rất tốt.

Một số loại cháo thường dùng khác

– Cháo thuốc dưỡng huyết: cháo lạc, cháo vừng, cháo hà thủ ô, cháo cà rốt, cháo gan lợn…

– Cháo thuốc bổ khí: cháo đẳng sâm, cháo hoàng kỳ, cháo phù linh, cháo sữa bò, cháo chim cút, cháo gan lợn, cháo bạch truật.

– Cháo thuốc giúp kiện tỳ, trợ tiêu hóa: cháo cháy cơm, cháo nhị bảo, cháo cam phật thủ, cháo kê nội kim, cháo đậu ván trắng.

– Cháo thuốc hóa đờm, cắt ho: cháo lê, cháo củ cải, cháo bách hợp, cháo bối mẫu, cháo tô tử…

– Cháo thuốc dưỡng âm: cháo tang thầm, cháo a giao, cháo bạch quả, cháo yến sào, cháo ba ba, cháo thục địa, cháo câu kỷ tử, cháo thịt thỏ…

– Cháo thuốc ôn dương: cháo thịt chó, cháo quế, cháo chim sẻ, cháo hạnh đào…

Lý Công Quyền (St)

Xem thêm: